Bỏ “giấc mộng” 22 tỷ USD
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết KKT Nhơn Hội thành lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 6-2005, được kỳ vọng là động lực phát triển KT-XH của Bình Định, thúc đẩy phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp nặng. Theo đó, Nhơn Hội sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách ở miền Trung và cả nước, là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng, mở rộng thị trường khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và trở thành cầu nối với Campuchia, Lào, Thái Lan…
Song trên thực tế, đã qua 14 năm nhưng Nhơn Hội vẫn cầm chừng, lỡ nhịp, chưa đầu tư xong. Vùng cát hoang vu ở bán đảo Phương Mai vẫn chưa trỗi dậy như kỳ vọng của người dân Bình Định và cả nước…
Chưa hết, trong quá trình đó, KKT này phát sinh nhiều bất cập, đó là sự thả lỏng trách nhiệm trong công tác quản lý của cơ quan được giao trọng trách lớn nhất là Ban quản lý KKT Bình Định và chính quyền các địa phương liên quan. Điều này đã khiến người dân ồ ạt lấn chiếm đất của KKT xây dựng nhà ở, công trình trái phép kèm theo nạn khai thác cát biến tướng, nhức nhối…
Trước tình hình này, Bình Định đã lập 1 tổ đồng quản lý, hoạt động thường xuyên để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép ở KKT Nhơn Hội... Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định kêu gọi các ban ngành liên quan, địa phương cần chung tay, vào cuộc quyết liệt để dành lại nguyên vẹn KKT Nhơn Hội. Đặc biệt, Bình Định kiên quyết xử lý thẳng tay, thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ, cố tình ngâm đất để tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư có năng lực hơn.
Trước đó, lý giải cho sự trễ nhịp của KKT Nhơn Hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, cho biết: “Khi mới thành lập KKT Nhơn Hội, UBND tỉnh Bình Định còn theo đuổi giấc mơ về dự án tổ hợp lọc hóa dầu 22 tỷ USD, chiếm khoảng 8.000-9.000ha. Vì thế, KKT Nhơn Hội mới trễ nhịp mất hơn 5 năm.
Sau này, Bình Định nhận ra bán đảo Phương Mai, nơi có thế mạnh để phát triển về du lịch, nếu chạy theo lọc hóa dầu sợ sẽ hủy hoại cảnh quan du lịch, ô nhiễm môi trường biển nên địa phương đã quyết tâm từ bỏ giấc mơ lọc hóa dầu".
“Lá bùa” cứu sinh
“Lá bùa” cứu sinh
KKT Nhơn Hội sẽ trở thành cực tăng trưởng năng động, đối xứng, tương hỗ thông qua TP Quy Nhơn. Đặc biệt, chúng ta phải giữ quy hoạch để con cháu sau này tự hào sở hữu một trung tâm kinh tế, TP gắn với nền kinh tế xanh. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định |
Từ bỏ giấc mộng về tổ hợp lọc hóa dầu 22 tỷ USD, Bình Định tìm thấy được hướng đi mới, thế mạnh để vực dậy Nhơn Hội. Từ đó, Bình Định tiên phong trình Chính phủ chuyển giao lại cho địa phương tự bỏ kinh phí ra thuê đơn vị tư vấn, tự quyết về số phận của Nhơn Hội.
Trên cơ sở đó, địa phương đã thuê đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) làm đồ án tổng thể khu quy hoạch chung KKT Nhơn Hội, đến năm 2040. Đến đầu tháng 5-2019, Thủ tướng đã có quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của KKT Nhơn Hội.
Theo đó, KKT Nhơn Hội sẽ được điều chỉnh từ 12.000ha lên 14.308ha. Phần hiện hữu, trên bán đảo Phương Mai có diện tích 12.000ha; phần mở rộng, trên địa giới hành chính xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, diện tích khoảng 2.308ha. Về chức năng, đây là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản; trở thành cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận.
KKT này còn là một trong những trung tâm phát triển chính của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đầu mối thông thương, giao lưu quốc tế quan trọng của miền Trung và Tây nguyên và là khu vực có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, cho biết với quy hoạch đã được điều chỉnh, KKT Nhơn Hội sẽ trở thành cực tăng trưởng năng động, đối xứng, tương hỗ thông qua TP Quy Nhơn.
Đặc biệt, Nhơn Hội sẽ dành 3.600ha để làm đô thị, các khu du lịch. Từ đây, KKT Nhơn Hội được điều chỉnh từ khu đặt nặng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị chuyển sang trọng tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, cảng biển… bổ sung thêm khu công nghiệp Becamex (2.308ha).
“Điểm nhấn ở KKT Nhơn Hội là trở thành một bộ phận cấu thành, không thể tách rời với cấu trúc hệ thống đầm phá thiên nhiên, rừng ngập mặn đầm Thị Nại. Quan điểm của tỉnh không thu hút đầu tư bằng mọi giá, điều chỉnh quy hoạch theo ý kiến nhà đầu tư, mà giữ quy hoạch để con cháu sau này tự hào sở hữu một trung tâm kinh tế, TP gắn với nền kinh tế xanh” - ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, cho biết 14 năm trước, nhiều người còn rất mơ hồ về phát triển bền vững, về tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, chúng ta đã nhận thức khá rõ ràng và đã đưa ra được thể chế bằng hệ thống văn bản pháp luật cụ thể. Như Bình Định đưa ra chủ trương rất đúng đắn, thay vì san phẳng bán đảo Phương Mai để lấy quỹ đất mời gọi đầu tư công nghiệp nặng, đã chọn phát triển hướng đến nền kinh tế xanh.