Trong tháng 10, toàn bộ khối lượng trái phiếu Chính phủ gọi thầu gần như phát hành hết với tỷ lệ trúng thầu đạt 99,7%, giá trị tương ứng 20.190 tỷ đồng và cho thấy nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ của thị trường ở thời điểm này là rất lớn.
Điều này cho thấy nhu cầu của tích lũy tài sản ít rủi ro của khối ngân hàng thương mại gia tăng cộng thêm thanh khoản đồng nội tệ khá dồi dào đã khiến cho thị trường trái phiếu trở nên hấp dẫn.
Lãi suất thấp nhất trong lịch sử
Theo thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lượng phát hành trái phiếu Chính phủ trong 10 tháng đạt 174.182 tỷ đồng, tương đương 67% kế hoạch năm và tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, nếu trừ đi lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn thì lượng phát hành ròng xấp xỉ 68.000 tỷ đồng và giảm 32% so cùng kỳ, điều này cho thấy nguồn cung trái phiếu Chính phủ đang sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường lại ở mức cao.
Số liệu báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI cũng cho thấy trong tháng này, toàn bộ khối lượng trái phiếu gọi thầu đều được phát hành hết với tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 99,7%, giá trị tương ứng 20.190 tỷ đồng. Mặc dù, phiên đấu thầu cuối tháng đã có hiện tượng chững lại nhưng nhìn chung lãi suất vẫn nối dài đà đi xuống. Cụ thể, bình quân lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm hiện ở các mức tương ứng 2,85%, 3%, 3,58%, 3,76%, 4,32% và 4,65%/năm, như vậy đã giảm lần lượt là từ 30-58 điểm phần trăm và đang ở vùng lãi suất thấp nhất trong lịch sử.
Lý giải về sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu Chính phủ, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận kinh tế, Công ty chứng khoán MB cho rằng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khá dồi dào khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại tăng và nhờ đó tỷ lệ trúng thầu đã được duy trì ở mức cao. Giá trị gọi thầu trái phiếu Chính phủ tăng vọt 82% lên mức 20.250 tỷ đồng trong tháng 10, trong khi tỷ lệ trúng thầu tăng từ mức 89% lên 100%.
Ông Tuấn nhận định khả năng thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ hạ nhiệt trong hai tháng cuối năm do kế hoạch phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước trong quý 4 giảm 21,4% so với quý 3, xuống còn 55.000 tỷ đồng.
Dự báo khá tương đồng với ý kiến trước đó, ông Linh nói thêm: “Áp lực giảm tiếp trong dài hạn vẫn còn, tuy nhiên từ nay đến cuối năm lợi tức trái phiếu Chính phủ có thể nhích lên do các ngân hàng thương mại lớn đã cân đối đủ lượng tài sản này cộng thêm nhu cầu dòng tiền thanh khoản cao vào cuối năm.”
Diễn biến thị trường thứ cấp, lợi tức trái phiếu Chính phủ cũng tương đồng với thị trường sơ cấp khi tiếp tục giảm từ 40-62 điểm phầm trăm ở các kỳ hạn trong tháng 10. Bên cạnh đó, lũy kế 10 tháng mức lợi tức đã giảm 1,87%-1,97%/năm ở các kỳ hạn 5 năm trở xuống và rút khoảng 1,5%/năm ở các kỳ hạn trên 5 năm.
Doanh nghiệp bất động sản “ồ ạt” phát hành trái phiếu
Cũng theo báo cáo của Công ty SSI, lũy kế từ đầu năm đến nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 178.732 tỷ đồng. Trong số đó, các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với khối lượng trên 79.411 tỷ đồng, chiếm 44.4%; tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản 61.269 tỷ đồng, chiếm 34.3% và còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, riêng trong tháng 10, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 17.071 tỷ đồng, song chủ thể phát hành nhiều nhất lại thuộc về các công ty bất động sản với 9.349 tỷ đồng. Có thể kế đến Công ty Vinametric (chủ sở hữu của khách sạn Saigon Prince Hotel) phát hành 3.705 tỷ đồng và Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng. Nhưng cần phải lưu ý, báo cáo tài chính quý 3/2019 của Land Saigon đã ghi nhận khoản lỗ 14,2 tỷ đồng, bên cạnh đó hệ số nợ/tổng tài sản rất cao và lên tới 69%, dòng tiền hoạt động kinh doanh cũng là âm. Vì vậy, giới phân tích đang cho rằng việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu của công ty này là khá rủi ro.
Đối với nhóm ngân hàng, tổng giá trị trái phiếu phát hành là 2.781 tỷ đồng, trong đó có 1.000 tỷ đồng phát hành dưới hình thức chào bán ra công chúng của Ngân hàng Vietinbank, còn lại là các lô phát hành riêng lẻ của Ngân hàng An Bình, Seabank, SHB, Bắc Á, HDB và MBB. Theo đó, lãi suất bình quân các trái phiếu phát hành trong tháng là 10,5% và tăng tới 2,7% so với mức bình quân trong tháng Chín.
Ông Linh lý giải: Chủ yếu, các ngân hàng thương mại giảm phát hành trong tháng nên mức lãi suất huy động bình quân thấp nhất. Bên cạnh đó, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các nhóm đều tăng, trong đó nhóm bất động sản có mức lãi suất bình quân là 10,5% (cao hơn mức 9,6% của tháng Chín). Cá biệt, lô trái phiếu phát hành hơn 1.400 tỷ đồng thời hạn 5 năm của Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng có mức lãi suất “đáng kinh ngạc” lên tới 20%/năm.
Về cơ cấu nhà đầu tư, hiện nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua khoảng 7,6% tổng lượng phát hành và còn lại là các nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, công ty chứng khoán là tổ chức mua lớn nhất với tổng lượng từ đầu năm đạt tới 31.427 tỷ đồng, chiếm 18% lượng phát hành. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại mua 12.000 tỷ đồng, phần lớn là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và phát triển hạ tầng.