Nhức nhối nạn khai thác cát ở Quảng Nam

(ĐTTCO)-Dù UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang từng ngày diễn ra nhức nhối trên các nhánh sông thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn chảy qua nhiều địa phương của tỉnh.
Trên sông Vu Gia - Thu Bồn chảy qua Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn hiện có 29 mỏ khoáng sản cát, sỏi được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết cát
Trên sông Vu Gia - Thu Bồn chảy qua Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn hiện có 29 mỏ khoáng sản cát, sỏi được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết cát
Khó kiểm soát khai thác

Từ đầu năm đến nay, công an các huyện, thị xã Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) liên tiếp bắt nhiều vụ khai thác cát trái phép với tổng sản lượng hàng trăm mét khối.

Mới đây nhất, cuối tháng 3-2019, Công an xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên đã bắt quả tang ghe của ông Võ Văn Thương (trú xã Bình Đào, Thăng Bình) khai thác cát trái phép tại khu vực thôn Trà Đông với tang vật 13,5m3 cát.

Trước đó, tổ công tác phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt quả tang 2 ghe máy không biển kiểm soát do ông Nguyễn Thành Lập và ông Hứa Văn Khúc (cùng trú huyện Duy Xuyên) đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn. Tổng khối lượng cát trên 2 ghe máy tại thời điểm kiểm tra khoảng hơn 30m3.

Cách đó vài ngày, lực lượng Cảnh sát đường thủy cũng đã bắt 5 ghe máy khai thác cát trái phép với khối lượng hơn 50m3 cũng trên sông Thu Bồn… Đây chỉ là những con số ít ỏi trong hàng chục vụ khai thác cát trái phép trên hệ thống 2 con sông Vu Gia – Thu Bồn mà các lực lượng chức năng đã hoặc không phát hiện thời gian qua.

Nhiều hộ dân sống ven sông cho biết, tình trạng khai thác cát lén lút chủ yếu ban đêm, thời gian diễn ra rất nhanh khoảng từ 30 – 60 phút, nên một số trường hợp khi người dân báo lực lượng chức năng đến thì ghe đã rời đi.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thông tin, tính từ đầu năm 2019, các lực lượng cảnh sát ở Quảng Nam đã xử lý 42 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 700 triệu đồng, tạm giữ một số phương tiện tham gia khai thác cát trái phép. Tuy vậy, tình trạng trên vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã cấp, ban hành hơn 50 giấy phép, quyết định hoạt động khoáng sản. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 125 giấy phép tham dò, khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 35 mỏ cát, sỏi xây dựng.

Riêng trên sông Vu Gia - Thu Bồn chảy qua Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn hiện có 29 mỏ khoáng sản cát, sỏi được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết cát. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng giấy phép khai thác không đúng theo phương án được duyệt, khai thác không đúng giờ quy định, không cắm mốc hoặc cắm mốc không đầy đủ, không đảm bảo an toàn khi vận chuyển cát…

Chưa kể, không ít mỏ dù đã hết thời hạn khai thác vẫn lén lút hoạt động. Còn chính quyền địa phương cấp cơ sở một số nơi thì buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý, kể cả có biểu hiện dung túng, bao che…

Loay hoay tìm giải pháp

Tại cuộc họp báo tháng 3-2019 vừa qua, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã nhấn mạnh đến việc quản lý lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan tăng cường công tác tuần tra quản lý cũng như siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), rất khó quản lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn vì hoạt động của các ghe thường xuyên diễn ra vào ban đêm và ở những vùng giáp ranh với các địa phương khác.

“Các đối tượng hút cát dưới nhiều hình thức tinh vi như hoạt động lúc đêm khuya, trong khi lực lượng tuần tra kiểm soát địa phương mỏng, yếu chuyên môn nghiệp vụ… Chưa kể, một số ghe trang bị các thiết bị hỗ trợ giảm thanh, lắp đặt máy móc công suất lớn, kéo dài hệ thống ống hút…”, ông Sáu bất lực.

Điều này trước đó cũng được thừa nhận trong văn bản chỉ đạo số 3219/UBND – KTN ngày 15-6-2018 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cát sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn”.

Văn bản nêu rõ: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn chưa chấm dứt trên các địa bàn: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên. Các đối tượng lợi dụng địa hình sông nước, khu vực giáp ranh, đêm tối khó kiểm soát để hoạt động khai thác cát trái phép và sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để theo dõi, đối phó với các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ chức năng trong bộ máy cơ quan Nhà nước và chủ doanh nghiệp được cấp phép vẫn còn xảy ra, dẫn đến một số bến, bãi không có giấy phép, hồ sơ môi trường, không nằm trong quy hoạch vẫn ngang nhiên hoạt động. Việc đăng ký, đăng kiểm, quản lý người và phương tiện vận tải cát sỏi trên sông còn nhiều bất cập…

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ngoài công khai các số điện thoại “Đường dây nóng bảo vệ tài nguyên khoáng sản”, địa phương cũng đã tăng cường tập trung kiểm tra khâu chấp hành của chủ bến bãi được cấp phép hoạt động; xử lý đóng cửa bến bãi không phép và chủ bến bãi không tuân thủ nghiêm các quy định.

Theo thống kê, kể từ ngày 15-6-2018 đến hết quý I-2019, các cơ quan chức năng của thị xã đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 40 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, trình cấp thẩm quyền xử phạt nộp ngân sách 505,5 triệu đồng.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ngoài tăng cường tuần tra kiểm soát, thời gian tới, các doanh nghiệp và chủ bến bãi phải lắp đặt camera giám sát tại vị trí mỏ và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, các bến tập kết phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường; chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác. Thời gian khai thác, vận chuyển cũng quy định rõ: 6 - 18 giờ (từ tháng 1 đến hết tháng 9), 6 - 17 giờ (từ tháng 10 đến hết tháng l2)...

Các tin khác