Đến nay, chương trình Sách hóa nông thôn với sự chung tay hành động của người Việt Nam trong và ngoài nước gồm cả khu vực dân sự và chính quyền… đã tạo nên ít nhất 30.000 Tủ sách Phụ huynh/Tủ sách Lớp em, Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ… mang lại cơ hội nghe và đọc sách cho nhiều trẻ em nông thôn.
Từ chương trình, anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng chương trình Tiếng Anh hóa nông thôn ở Việt Nam và vận động chương trình Sách hóa nông thôn ở Ấn Độ. Chương trình thắp lên niềm hy vọng giúp con trẻ có tri thức, toàn xã hội trân quý tri thức, văn minh và sáng tạo quốc gia sẽ được nuôi dưỡng và hiển hiện trong mỗi người, mỗi nhà, phố xá, cây hoa, và nơi xa trái đất trong tương lai.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Nguyễn Quang Thạch cho biết những trải nghiệm trong hành trình xuyên Việt 1.750km luôn đọng sâu trong tâm trí anh. Trong đó anh nhớ nhất những sự kiện như, đi đến đầu tỉnh Quảng Bình có một người gọi điện thoại nói rằng chị bị mù: “Tôi nghe tin trên đài tiếng nói anh đang đi bộ xuyên Việt, hôm nào anh đi qua Quảng Bình thì cho tôi gặp”. Tôi đã gặp chị.
Chị nói cuộc sống người mù quanh quẩn ở nhà và rất muốn xin một chiếc radio để nghe sách nói. Tôi đưa câu chuyện lên trang cá nhân của mình, sau đó có người tặng máy nghe sách nói cho chị. Hay cũng trong chuyến đi, tôi còn nhớ ánh mắt và lời cầu xin của học sinh lớp 6 ở xã Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh: “Chú ơi, chú cho cháu cuốn sách, cháu thích sách mà không có tiền”. Lời nói của cậu bé làm tôi nghĩ tới 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam, chắc hẳn đang có nhiều đứa trẻ khát khao sách như thế.
Hành trình xuyên Việt trong 123 ngày của tôi thực ra là rất ngắn so với hành trình để phá dỡ những núi đá đói sách gây nên nạn ít đọc của người Việt Nam trong nhiều thập niên. Tôi hy vọng chuyến đi bộ của mình có thể giúp tăng tốc chương trình “Sách hóa Nông thôn” cũng như các chính sách khác thúc đẩy văn hóa đọc của xã hội.
Sau chuyến đi, vào tháng 8-2015, chúng tôi gặp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận để vận động nhân rộng Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em đến tất cả lớp học trên toàn quốc. Ngày 26-9-2015, Bộ trưởng Luận đi thực tế các Tủ sách Phụ huynh ở huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy tỉnh Thái Bình, và được nghe những người hưởng lợi từ tủ sách và những người làm tủ sách trả lời. Đến ngày 31-12-2015 Bộ GD-ĐT có Công văn 6841 gửi các sở giáo dục khuyến khích các trường học nhân rộng tủ sách đến lớp học.
Song song với việc thúc đẩy nhân rộng các loại tủ sách đến lớp học, dòng họ, xứ đạo, các thành viên Chương trình Sách hóa nông thôn mở đường cho các hoạt động Mừng tuổi sách, tặng sách trẻ em dịp Noel như một cấu phần của hệ sinh thái Sách hóa nông thôn gồm trang bị tủ sách, tạo nhận thức xã hội về tầm quan trọng của sách, cũng nhưng khuyến khích giúp trẻ em nghe sách và đọc sách.