Những cái nhất và lạ năm 2011

TTCK năm 2011 kết thúc với một kết quả không mấy sáng sủa đối với nhiều NĐT. chọn lựa những sự kiện tiêu biểu là việc không đơn giản. Nói như một chuyên gia chứng khoán nhiều kinh nghiệm, TTCK giờ nhìn đâu cũng thấy “khó”, “bê bối” và “bi quan”.

TTCK năm 2011 kết thúc với một kết quả không mấy sáng sủa đối với nhiều NĐT. chọn lựa những sự kiện tiêu biểu là việc không đơn giản. Nói như một chuyên gia chứng khoán nhiều kinh nghiệm, TTCK giờ nhìn đâu cũng thấy “khó”, “bê bối” và “bi quan”.

CP bê bối nhất

Diễn biến của cổ phiếu DVD (Dược Viễn Đông) và những yếu tố liên quan trong năm 2011 khiến CP này gần như không có đối thủ trong cuộc bình chọn CP của năm. “Nhờ” DVD mà hàng loạt cá nhân liên quan đến việc làm giá CP rơi vào vòng lao lý khiến thị trường rúng động.

Đáng chú ý khi nhân viên môi giới của một CTCK bị khởi tố vì có liên quan trong vụ việc này hồi cuối tháng 5, “sếp” của công ty này lập tức lên tiếng rằng đây chỉ là “trách nhiệm cá nhân”, nhận được rất nhiều phiếu bầu cho danh hiệu “người trốn tránh trách nhiệm hay nhất”.

Cuối tháng 8, khi Ngân hàng ANZ Việt Nam yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD và đến ngày 5-9 CP này không còn hiện diện tại HOSE, NĐT mới thấm thía cái gọi là rủi ro mua phải CP lởm.

Nhiều người lỡ đóng tiền mua CP phát hành thêm của DVD vào cuối năm 2010 nhưng đợt phát hành không thể diễn ra và họ bất đắc dĩ trở thành chủ nợ nhưng khả năng đòi được tiền gần như không thể.

Nỗi đau không chỉ dừng lại ở NĐT cá nhân, mà còn có cả những NĐT tổ chức đã lỡ “đu” theo DVD, tiêu biểu là trường hợp của Quỹ PENM II khi mua vào DVD với giá khoảng 8.0 và phải cắt lỗ ở mức 2.0. 

“Nhờ” kiểm toán cho DVD mà 2 công ty Ernst&Young và A&C bị NĐT lên án nhiều nhất. Cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc có sai phạm hay không, nhưng 2 công ty nói trên vẫn được xem là ứng viên nặng ký cho danh hiệu “thiếu tin cậy nhất trong năm”.

Đây là điều rất nghịch lý, bởi lẽ Ernst&Young thuộc nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, còn A&C là công ty kiểm toán có thâm niên.

Khổ nhất

TTCK khó khăn, khổ nhất chắc chắn phải là NĐT, kế đến là CTCK và cuối cùng là các doanh nghiệp niêm yết, nhưng mỗi thành phần lại có một kiểu khổ khác nhau.

Không chỉ khổ vì thua lỗ hoặc không có cơ hội sinh lời, NĐT trong năm vừa qua còn đối mặt với nhiều cái khổ rất lạ.

Diễn biến trên TTCK trong năm qua khiến NĐT không khỏi lúng túng. Ảnh: LÃ ANH

Diễn biến trên TTCK trong năm qua khiến NĐT không khỏi lúng túng. Ảnh: LÃ ANH

Chẳng hạn, những NĐT mở tài khoản tại CTCK SME được xem là khổ nhất trên thị trường vì CTCK này đã mất thanh khoản, đòi được tiền là một quá trình gian nan và không phải ai cũng đòi được.

 NĐT khổ vì mua phải những CP bỗng dưng tuyên bố hủy niêm yết vì những lý do hết sức trời ơi. Nỗi khổ gần nhất là nỗi lo về việc liệu CTCK mình đang giao dịch có hủy nghiệp vụ môi giới hay không, vì nếu CTCK hủy môi giới, NĐT phải chuyển tài khoản hoặc rút tiền đưa sang CTCK khác, quá trình này gây rất nhiều phiền hà.

Nói CTCK khổ cũng đúng vì 1 năm thua lỗ, thường xuyên cắt giảm chi phí, nhân sự và liên tục nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm. Nhưng những nỗi khổ này cũng bắt nguồn từ sai lầm trong hoạt động theo kiểu chụp giật, thiếu chiến lược.

Các quỹ ETF đầu năm đánh lên một loạt CP như BVH, MSN… tạo ra cảm giác có lãi, nhưng nhìn vào diễn biến của một số CP này vào cuối năm thì các quỹ lướt sóng đó tổng kết lại chưa chắc đã có lãi.

Ngoài ra, nhiều công ty quản lý quỹ cũng gặp không ít khó khăn khi không thể huy động vốn hoặc một số quỹ chuẩn bị kết thúc thời hạn hoạt động. Với các doanh nghiệp, làm ăn khó khăn đã đành, nhìn CP trên sàn sụt giảm thê thảm còn đau lòng hơn.

Bỏ tiền ra mua CP để cứu giá chưa chắc đỡ được giá, vì xu hướng chung của thị trường đang giảm, dẫn đến lãng phí, trong khi chia sẻ thật tình, kêu gọi bằng tình cảm thì lại bị trách “nói hão”. Đây là nỗi khổ của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Bị soi nhiều nhất

Khó có ứng viên nào có thể cạnh tranh với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về danh hiệu này. Khi vụ việc DVD phá sản được dư luận đặc biệt quan tâm, trách nhiệm của UBCKNN cũng được nhắc đến và mặc dù đại diện của cơ quan này khẳng định làm hết sức mình nhưng nhiều NĐT vẫn không đồng tình.

Không mấy ai chịu nhớ đến công lao của UBCKNN khi kết hợp với các cơ quan an ninh để đưa vụ việc này ra ánh sáng.

Giữa tháng 5, dưới áp lực giải chấp, VN Index rớt một mạch 100 điểm, từ 480 điểm xuống 380 điểm. Rất nhiều ý kiến về việc cơ quan quản lý phải có biện pháp cải tổ TTCK lập tức và từ ngày 1-6, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư 74 về hướng dẫn giao dịch chứng khoán với các nội dung quan trọng, bao gồm: NĐT được mở nhiều tài khoản, được mua bán cùng một loại chứng khoán trong cùng phiên và quan trọng nhất là việc luật hóa hoạt động giao dịch ký quỹ (margins).

Sau Thông tư 74, UBCKNN tiến đến việc chuẩn hóa sức khỏe các CTCK với bộ chỉ tiêu an toàn tài chính. Bước đầu đã có 12 CTCK chưa đáp ứng được các chỉ tiêu này và “được” xuất hiện trên mặt báo.

Phản ứng tất yếu của những CTCK này là “nhảy dựng” và mặc dù không nói ra nhưng nhiều CTCK tỏ ra bất mãn vì bị một quan chức của UBCKNN công khai danh tính.

Cũng phải thông cảm với 12 CTCK trên ở điểm trong danh sách này lại thiếu 2 CTCK mất thanh khoản lần đầu tiên được công bố ra bên ngoài là SME và Tràng An.

Nhiều CTCK đòi hỏi UBCKNN phải gấp rút triển khai cơ chế thanh toán T+2 hoặc T+0 thay cho T+4  nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường. Nhưng cuối cùng, khi cơ quan quản lý kiểm tra lại “lòi” ra một số lượng không ít CTCK không đáp ứng được yêu cầu để thay đổi chơ chế thanh toán mới.

Bị “soi” nhiều nhất nhưng UBCKNN cũng là ứng cử viên bị “đổ vạ” nhiều nhất và buồn cười nhất có lẽ là việc NĐT thua lỗ cũng đổ tại UBCKNN điều hành kém cỏi khiến họ bị thua lỗ và đòi cơ quan này phải… đền tiền.

Các tin khác