Vụ việc 231 cái tát dành cho một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình vào ngày 19-11 chưa lắng xuống, thì lại có thêm 50 cái tát dành cho một học sinh lớp 2 ở Hà Nội vào đầu tháng 12. Cái tát tiếp cái tát, xin lỗi tiếp xin lỗi, đã để lại hậu quả cho tâm lý xã hội càng nặng nề hơn.
231 cái tát ở Trường THCS Duy Ninh, thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có thể phân bua là hành vi ấu trĩ của một trường học vùng sâu vùng xa, nhưng 50 cái tát ở Trường tiểu học Quang Trung thuộc quận Đống Đa, Hà Nội không thể biện minh do tác động của môi trường lạc hậu. Ngay giữa thủ đô thời hội nhập, mà một cô giáo chủ nhiệm lớp 2 lại ra lệnh cho học sinh nọ tát học sinh kia đến 50 cái thì thật khó tưởng tượng.
Ngay tại cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội - Nguyễn Đức Chung đã bẽ bàng thừa nhận: “Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức đang bị lệch lạc nghiêm trọng. Điển hình như vụ việc cô giáo ở trường Tiểu học Quang Trung. Mặc dù thời gian qua đã có vụ việc bức xúc trên địa bàn cả nước, nhưng ở trên địa bàn chúng ta có lẽ những hiện tượng đó không thể chấp nhận được. Điều đó tạo ra những bức xúc xã hội hoàn toàn không đáng có, nhưng chúng ta vẫn còn”.
Cô giáo Trang liên quan đến 50 cái tát, năm nay 25 tuổi, đã tốt nghiệp cả 2 trường đại học danh giá là Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô giáo Trang tường trình như sau: Chiều ngày thứ hai 3-12, tại lớp 2A5 của cô có xảy ra hiện tượng, trong lúc giáo viên đang hướng dẫn học sinh làm bài trong giờ Hướng dẫn tự học trên lớp, thì từ phía cửa lớp có học sinh thưa rằng bạn Lê Phong trêu bạn Minh Đức. Lúc đó, cô có nóng nảy và nói câu: “Tát cho bạn cái”. Lập tức, lệnh cô ban xuống, em Minh Đức đã tát em Lê Phong thật. Ngay sau khi thấy học sinh Lê Phong bị bạn ngồi cạnh tát, thì cô giáo đã can ngăn và cho dừng ngay sự việc. Sau đó mọi hoạt động học tập của lớp vẫn diễn ra bình thường.
Chị Ngô Thanh Tâm (mẹ của học sinh Lê Phong) cho biết: “Ngay trong trưa ngày hôm đó, cô chủ nhiệm và hiệu phó đã đến nhà xin lỗi gia đình và con tôi. Đứng ở vị trí của con tôi thấy rất đau, lo ảnh hưởng tâm lý của con. Nhưng cô giáo ăn năn thì tôi hiểu là cô trẻ, chưa có gia đình, cách hành xử hay bồng bột, bộc phát. Bản thân tôi chưa bao giờ tát con và không muốn ai làm việc đó với con mình. Việc của cô giáo chủ nhiệm đến nay tôi cũng hài lòng với cách xử lý của nhà trường. Tôi không muốn làm căng lên vì làm căng cũng không lấy được những cái tát đó. Tôi muốn để cô giáo có con đường tiếp tục làm việc ở trường, được sửa sai, yêu thương các con”.
Một hiện tượng tiêu cực khó tránh những suy diễn tiêu cực. Nhiều người đồn đại rằng, cô giáo Trang là con gái của một cán bộ từng lãnh đạo quận Đống Đa – Hà Nội nên đang được bao che. Tất nhiên, điều ấy không thể tin hoàn toàn. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa lại nói về sự việc khá mơ hồ: Trong giờ hướng dẫn học sinh tự học, hai học sinh mất trật tự, lộn xộn khi tất cả các bạn đang tự học, trao đổi với nhau. Lúc học sinh đang mất trật tự, cô giáo nói bâng quơ “mất trật tự thì tát cho nó một cái”, và thế là em học sinh kia đã tát cháu Phong. Nhưng dù gì thì cũng phải có cơ sở học sinh mới dám tát bạn, và chúng tôi vẫn đang xác minh việc đó. Đó là theo lời cô tường trình, còn việc xác minh thì cần thêm thời gian”.
Trong khi đó, bà Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, lại có cách trình bày ôn hòa và uyển chuyển: "Thay mặt nhà trường, tôi xin gửi lời xin lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc. Với tư cách là một hiệu trưởng, một người mẹ, người bác, người cô, tôi cho rằng đây là một sự việc đáng tiếc và nhà trường sẽ xử lý nghiêm cô giáo. Về thông tin học sinh tát em Phong 50 cái, trong bản tường trình cô giáo chia sẻ không ra lệnh này.
Việc xác minh số cái tát 20, 30 hay nhiều hơn nữa là rất khó. Để tiến hành xác minh với học sinh, nhà trường phải có sự xin phép và được sự đồng ý của phụ huynh mới có thể triển khai. Qua trao đổi với một số phụ huynh, một số ý kiến cho rằng có, nhưng số lượng không rõ. Cô Trang mới ra trường, công tác từ đầu năm, được nhiều phụ huynh yêu mến. Nhiều phụ huynh chia sẻ khi gửi gắm vào nhà trường, con chúng tôi như có thêm một người mẹ. Cô giáo Trang cũng được sự tin yêu của các đồng nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn đã đến trường thì mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui".
Câu hỏi nhức nhối phải đặt ra ở đây là tại sao vụ 231 cái tát ở Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình vừa xảy ra ngày 23-11 đang ầm ĩ dư luận, mà cô giáo Trang vẫn hồn nhiên cho thực hiện 50 cái tát ở Trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội? Phải chăng, cô giáo Trang không đọc báo, không nghe đài, không xem tivi? Phải chăng cô giáo Trang tự tin vào quyền lực của bản thân khi đưa ra cách hành xử riêng mang tính cổ vũ bạo lực học đường?
Đúng sai trong chuyện ra lệnh tát học sinh không còn cần bàn cãi nữa. Bởi lẽ đó là thái độ phản giáo dục. 231 cái tát hoặc 50 cái tát không hề khác nhau về bản chất. Phụ huynh có con em là nạn nhân của những cái tát đang có nguy cơ biến thành cơn dịch lây lan này, cũng chấp nhận lời xin lỗi của giáo viên và nhà trường thôi. Thế nhưng, nỗi đau mà những học sinh từng bị bạn bè vung tay tát vào mặt, sẽ giống như vết thương khó lành. Những cái tát vừa mang tính tra tấn vừa mang tính hạ nhục, có làm học sinh vào đời với phẩm chất trong sáng và nhân ái không? Chắc chắn không.
Đã đến lúc ngành giáo dục phải suy xét lại đạo đức nghề nghiệp. Thứ nhất, không thể để xu hướng bạo lực ngoài cuộc sống trực tiếp len lỏi vào quan niệm dạy dỗ học sinh. Thứ hai, hãy xem hạnh phúc đứng trên bục giảng là một sứ mệnh vun đắp tương lai, chứ không phải công việc kiếm ăn đơn thuần. Giáo viên, ngoài trách nhiệm thiêng liêng, còn phải có tình thương bao la. Không thể nhân danh bất kỳ nỗi bực bội nào để kích hoạt những cái tát vào mặt học sinh, vì đó cũng là những cái tát vào mặt cộng đồng văn minh, vào mặt lương tri con người.