Tròn 1 tháng sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, ngành y tế tỉnh Bình Thuận đã có chiến thắng bước đầu trong cuộc chiến chống dịch, khi chữa trị thành công tất cả 9 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Để có được kết quả này, suốt 1 tháng qua, đội ngũ thầy thuốc trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân đã làm việc cường độ cao bất kể ngày đêm.
Bác sĩ Dương Thị Lợi kể về hành trình điều trị các ca bệnh. |
Bác sĩ Dương Thị Lợi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Thuận cho biết, trong số 9 bệnh nhân thì 2 ca cuối cùng số 36 và số 44 khiến đội ngũ điều trị lo lắng nhất. Bệnh nhân số 36 là người lớn tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, xơ phổi nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Còn bệnh nhân số 44 dù còn trẻ, hệ miễn dịch tốt nhưng kết quả xét nghiệm nhiều lần không ổn định, từ âm sang dương tính, rồi ngược lại. Và khi kết quả âm tính của cả 2 ca bệnh được xác nhận chắc chắn, cả Khoa đã vui mừng khôn tả.
"Chúng tôi vui đến mức đang ăn mà không thể kiềm được cảm xúc của mình và rơi nước mắt. Trong đời bác sĩ của tôi thì đây là dấu ấn của một người thầy thuốc", bác sĩ Lợi nói.
Ca bệnh đầu tiên được tỉnh Bình Thuận ghi nhận vào ngày 10/3, là một nữ doanh nhân 51 tuổi trở về từ Mỹ. Không lâu sau khi bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, toàn bộ 17 y, bác sĩ, hộ lý của Khoa Truyền nhiễm sắp xếp công việc gia đình, ở lại bệnh viện dài ngày để điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Đằng đẵng 1 tháng trời, họ chỉ liên lạc với gia đình qua chiếc điện thoại trong vài phút ngắn ngủi khi thay kíp trực. Với họ, đây quả là một “trận chiến” cam go chưa từng thấy, đòi hỏi bản lĩnh của người thầy thuốc. Những bữa cơm vội vàng, giấc ngủ trưa chập chờn ngay trên bàn làm việc trở nên quen thuộc, thậm chí, mái tóc dài của vài nữ bác sĩ, điều dưỡng cũng được đồng nghiệp cắt ngắn để phòng ngừa virus có thể bám dính.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết, vất vả là vậy nhưng tất cả đã đồng lòng vượt qua. Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng khi lần lượt 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19 bình phục và xuất viện: "Tất cả anh chị em, từ bác sĩ cho đến hộ lý và những người trực tiếp điều trị những bệnh nhân này đều rất là đồng lòng, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn. Mặc dù ở lại cách ly trong bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh em cùng nỗ lực vượt qua với tinh thần trách nhiệm vì người bệnh và cộng đồng".
Tập thể y bác sỹ Khoa Truyền nhiệm (Bệnh viện đa khoa Bình Thuận). |
Hai bệnh nhân cuối của Bình Thuận ra viện sáng 10/4. |
Tuy đã điều trị thành công cho tất cả 9 ca bệnh, nhưng ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn cao, vì vậy, các biện pháp phòng chống dịch vẫn được ngành y tế duy trì nghiêm ngặt.
"Chúng tôi cứ bám sát theo nguyên tắc và được xem là phương châm thực hiện, đó là giám sát tốt, điều tra, phát hiện kịp thời, khoanh vùng cách ly để phát hiện kịp thời và góp phần ngăn chặn dịch lây lan", ông Hồng nói.
Tự hào là các chiến sĩ áo trắng, mỗi y, bác sĩ Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình trong giai đoạn khó khăn này. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 dẫu còn nhiều gian nan, nhưng những “chiến sĩ blouse trắng” vẫn không nản lòng, sẵn sàng đứng ở tuyến đầu để đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.