Cú “bẻ lái” bất ngờ
DLG hoạt động theo hình thức CTCP kể từ năm 2007, với vốn điều lệ 697 tỷ đồng - tương đối lớn ở thời điểm bấy giờ. Chỉ 1 năm sau, DLG chính thức được UBCKNN công nhận trở thành công ty đại chúng. Ngày 22-6-2010, DLG niêm yết 29,1 triệu CP trên HOSE với giá chốt phiên chào sàn đạt 30.000 đồng/CP. Việc đưa CP lên sàn có thể xem là bước ngoặt đối với DLG, bởi sau khi niêm yết, doanh nghiệp này liên tục phát hành CP tăng vốn.
Cụ thể, năm 2015 tăng vốn lên 1.691 tỷ đồng, sau khi thực hiện hoán đổi thành công gần 20 triệu CP cho cổ đông của Mass Noble. Thông qua hoán đổi CP này, DLG chính thức đầu tư lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Năm 2016, DLG tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 2.301 tỷ đồng, sau khi thực hiện chuyển đổi trước hạn 5 triệu trái phiếu chuyển đổi thành 50 triệu CP, phát hành thêm gần 11 triệu CP để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho các cổ đông hiện hữu.
Cũng như HAG, DLG từ chuyên lĩnh vực gỗ đã nhảy sang đầu tư đa ngành, trong đó có BĐS và nay với hiệu quả quá mù mờ.
Ngoài lĩnh vực mới sản xuất linh kiện điện tử, trong năm 2015, DLG bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (vốn điều lệ 35 tỷ đồng) cho CTCP Bamboo Capital (BCG). Đây là quyết định bất ngờ bởi kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ là lĩnh vực cốt lõi của DLG. Chưa dừng lại, DLG bung vốn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới, như đầu tư hạ tầng giao thông với hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao); đầu tư vào năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); chăn nuôi và kinh doanh bò, trồng bắp và kinh doanh bất động sản.
Bản sao của HAG
Bản sao của HAG
Tại ĐHCĐ thường niên 2015, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT, cho biết tập đoàn kiên định tập trung 4 lĩnh vực trọng điểm gồm cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng và linh kiện điện tử. Đồng thời, DLG cũng sẽ thoái vốn ở các ngành nghề truyền thống (kinh doanh gỗ) nhằm tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực mới. Để thêm màu sắc cho bức tranh tươi sáng này, HĐQT của DLG còn đặt ra mục tiêu kinh doanh năm 2015, với doanh thu tăng gần 150% lên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 265 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế DLG ghi nhận được trong năm 2015 chỉ 81 tỷ đồng.
Có thể dễ dàng nhận thấy, hướng phát triển của DLG khá tương đồng với CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Đó là việc những lĩnh vực mới thay vì giúp doanh nghiệp bứt tốc, lại đẩy DLG xuống đáy, mà nguyên nhân cũng đến từ sự nôn nóng trong quyết định đầu tư. Đơn cử, lĩnh vực kinh doanh bất động sản dù khá mới mẻ, nhưng lãnh đạo DLG vẫn đặt ra tham vọng hướng tới phân khúc căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại tại TPHCM với vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Kết quả của những quyết định đầu tư vội vàng là biến cố liên quan đến dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM, do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư. Cuối năm 2018, UBND TPHCM đã đề nghị giao Thanh tra TP chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc của dự án sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, để điều tra làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Tại dự án này, DLG có hàng trăm tỷ đồng giao dịch liên quan tới Vạn Gia Long. Đây là khoản góp vốn của DLG cùng Vạn Gia Long thực hiện dự án theo hợp đồng ký kết ngày 10-5-2016. Thời gian hợp tác 3 năm và lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ vốn đầu tư các bên. Trong khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng, DLG cũng có khoản phải thu lớn khác với Vạn Gia Long.
Cổ đông hết kiên nhẫn
Cổ đông hết kiên nhẫn
Dù chưa rơi vào thảm cảnh thua lỗ nặng như HAG nhưng DLG vẫn bị NĐT bán tháo. Năm 2012, DLG giảm xuống còn hơn 2.000 đồng/CP. Nỗ lực tái cơ cấu từ năm 2015 đã giúp DLG có nhiều đợt sóng tăng về gần mệnh giá (10.000 đồng/CP), nhưng biến cố Vạn Gia Long đã một lần nữa dìm DLG xuống mức đáy mới 1.240 đồng/CP trong năm 2019. Mới đây, DLG công bố kết quả kinh doanh 2019 với lợi nhuận đạt 180 tỷ đồng (tăng gấp 7 lần so với 2018), nhưng thông tin tốt này vẫn không đủ sức đẩy DLG lên mức 2.000 đồng/CP.
Sự hờ hững của NĐT với kết quả kinh doanh của DLG, cho thấy rủi ro doanh nghiệp này đang phải đối mặt rất lớn. Thực tế, ngay từ khi DLG công bố kế hoạch tái cơ cấu, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về mức độ rủi ro việc dàn trải trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đáng chú ý, áp lực đòn bẩy tài chính bị đẩy lên cao khiến hệ số lợi nhuận ròng giảm sút nghiêm trọng, trong khi quy mô tài sản gia tăng khiến hiệu suất sử dụng tài sản và hiệu suất sử dụng vốn suy giảm. Thực tế, dù kết quả kinh doanh năm 2019 tăng mạnh nhưng DLG mới hoàn thành 90% kế hoạch được giao.
Tại báo cái tài chính (BCTC) bán niên 2019, kiểm toán viên nhấn mạnh nhiều yếu tố đáng lưu ý. Cụ thể, tính đến 30-6-2019, hầu hết khoản nợ của DLG đều đã quá hạn thanh toán (đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả). Tất cả ngân hàng đều ngừng giải ngân cho DLG.
Những điều này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Tập đoàn có khả năng không thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện bình thường, theo đó hoạt động của DLG phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai, hoặc thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn, giãn nợ, giảm lãi.
Theo BCTC bán niên 2019 đã soát xét, DLG có tổng nợ phải trả 5.227 tỷ đồng (tương đương 60% tổng tài sản). Trong đó tổng vay nợ tài chính 3.695 tỷ đồng từ các ngân hàng như BIDV, VietinBank và gần 500 tỷ đồng trái phiếu.
Đến thời điểm hiện tại, cổ đông của DLG vẫn thắc mắc mục tiêu chính của tập đoàn là gì, khi đầu tư dàn trải vào quá nhiều lĩnh vực, trong khi hiệu quả đầu tư quá mù mờ. |