Nghi vấn làm giá
HAR chính thức được niêm yết trên sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 17-1-2013, với mức giá chào sàn chỉ 12.000 đồng/CP. Mã CP này giao dịch lình xình trong vài tuần đầu tiên, bất ngờ được kéo tăng giá chóng mặt lên mức 32.600 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 20-3 (tương đương mức tăng hơn 250% chỉ sau hơn 2 tháng giao dịch).
Sau khi đạt đỉnh này, HAR lại giao dịch lình xình trên mốc 3.0 trong vài phiên, rồi bất ngờ tăng vượt ngưỡng 40.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 22-4. Thế nhưng, sau khi vượt đỉnh 4.0, HAR bị kéo mạnh xuống chỉ còn 20.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 4-6.
Tưởng chừng HAR đã về lại với đúng giá trị thật của mình quanh mốc 2.0, bất ngờ mã này lại được kéo một mạch lên mức 35.500 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 21-6, trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Cũng như các đợt sóng trước, sau khi đạt ngưỡng kỳ vọng, mã này bị kéo xuống mạnh và có thời điểm giảm xuống dưới mốc 20.000 đồng/CP.
ĐHCĐ thường niên 2019.
Dù không rõ nguyên nhân của các đợt sóng vừa qua, nhưng với chu kỳ tăng giảm quá lộ của HAR, nhiều NĐT đã bắt đầu chú ý và gom mạnh khi CP này xuống mức đáy để chờ những con sóng tiếp theo. Điển hình là 2 phiên giao dịch 10-7 và 12-7 với hơn 2,2 triệu CP được chuyển nhượng, tăng gấp đôi so với mức trung bình của các phiên giao dịch trước.
Việc HAR liên tục tạo sóng và neo ở mức giá cao so với giá trị nội tại của doanh nghiệp, trong khi không hề có thông tin gì nổi bật trước và sau mỗi đợt tăng/giảm, khiến nhiều người hồ nghi HAR được các “đội lái” đánh lên để xả hàng.
Về giá trị thật
Về giá trị thật
Sở dĩ giới đầu tư đặt nghi vấn về đợt sóng tăng của HAR trong năm 2013 do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này không có gì nổi bật, thậm chí còn yếu thế so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2012, lợi nhuận thuần từ hoạt động chỉ đạt 1,2 tỷ đồng (giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác hơn 11 tỷ đồng từ thanh lý quyền sử dụng đất, đã giúp HAR đạt được mức hoàn thành trên 50% kế hoạch năm đề ra.
Đáng chú ý, các chỉ số về khả năng sinh lời giảm mạnh trong năm 2012 do hiệu quả từ hoạt động kinh doanh chính sụt giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và lợi nhuận chủ yếu được bù đắp từ hoạt động chuyển nhượng thanh lý quyền sử dụng đất. Ngay thời điểm chào sàn, lợi nhuận quý I-2013 của HAR chủ yếu từ hoạt động thanh lý quyền sử dụng đất, khi hoạt động này đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng vào doanh thu khác, so với lợi nhuận thuần chỉ đạt 231 triệu đồng.
Như vậy, điểm nhấn thời điểm HAR nổi sóng thực tế chỉ là kế hoạch 2013 khá tham vọng với tổng doanh thu lên đến 215 tỷ đồng (tăng 6,5 lần so với năm 2012), trong đó doanh thu hoạt động chính 135 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động khai khoáng 80 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng từ 2 mảng này tương ứng ở mức 33,3 tỷ đồng và 25 tỷ đồng. Dù đưa ra kế hoạch khủng nhưng khi trả lời chất vấn của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2013, HĐQT của HAR từ chối nêu cụ thể loại hình cũng như kế hoạch chiến lược kinh doanh hoạt động khai khoáng này, chỉ hứa hẹn sẽ thông báo đến cổ đông trong thời gian sắp tới.
Sự mập mờ của HĐQT HAR cũng chính là một phần nguyên nhân khiến nhiều NĐT “vỡ mộng” và đẩy mạnh bán ra, khiến HAR lao dốc sau đó. Đến ngày 28-8, HAR lần đầu tiên giảm xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP. Dù có thời điểm CP này tái lập mốc 10.000 đồng/CP nhưng kể từ năm 2013 đến nay, HAR chỉ giao dịch với mức giá rất thấp, thậm chí có thời điểm xuống sát mốc 2.000 đồng/CP. Việc HAR lao dốc không chỉ khiến cổ đông nhỏ lẻ, mà ngay cả tổ chức lớn như VinaCapital cũng thua lỗ nặng.
Quản trị có vấn đề
Quản trị có vấn đề
HAR được thành lập dưới hình thức CTCP vào năm 2007, với vốn điều lệ 32 tỷ đồng. Mục tiêu ban đầu là trở thành doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp, đi đầu trong lĩnh vực dịch vụ, cho thuê và quản lý bất động sản. Với tham vọng này, HAR đã liên tục có những đợt tăng vốn để thu gom đất. Năm 2010, HAR tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng và tiếp tục nâng lên 350 tỷ đồng năm 2012. Đặc biệt, sau khi niêm yết trên TTCK, HAR liên tục có những đợt phát hành CP với số lượng lớn nhằm tăng vốn điều lệ. Đến thời điểm hiện tai, vốn điều lệ của HAR lên đến 1.013 tỷ đồng.
Dù sở hữu vốn điều lệ khá lớn nhưng chiến lược kinh doanh của HAR khiến cổ đông lo ngại, đặc biệt là các quyết định lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Đơn cử, quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 nhằm tập trung nguồn lực để vực dậy thương hiệu “Xà bông Cô Ba”.
Trước đó, HAR đã chi ra hơn 214 tỷ đồng mua lại gần 31% vốn của CTCP Sản xuất thương mại Phương Đông, doanh nghiệp đang quản lý thương hiệu xà bông vang bóng một thời này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ngày trở lại của thương hiệu “Xà bông Cô Ba” vẫn còn mịt mờ. Điều đáng nói, hoạt động đầu tư ra bên ngoài của HAR cũng từng gây thất vọng với cổ đông. Đơn cử năm 2016, HAR đầu tư vào CTCP Phát triển nhà G Homes và CTCP Glenwood Horeca khoảng 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp này đều làm ăn kém hiệu quả.
Từ những thất bại trong quá khứ, có lẽ cổ đông HAR sẽ không đặt kỳ vọng nhiều vào tham vọng của những người “lèo lái” doanh nghiệp. Thực tế, hoạt động quản trị công ty của HAR cũng bị nhiều sai sót hết sức căn bản. Đơn cử, tháng 10-2019, HOSE có công văn nhắc nhở HAR tuân thủ các quy định về quản trị công ty. Trước đó, HAR cũng đã bị Chi cục Thuế quận 1 (TPHCM) cưỡng chế nộp phạt hơn 2 tỷ đồng do chậm nộp thuế hơn 90 ngày.
HAR rót vốn vào Phương Đông không phải vì mục tiêu gầy dựng lại thương hiệu “Xà bông Cô Ba”, mà mục đích chính là lô đất 2 mặt tiền tại trung tâm chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) với diện tích trên 10.000m2. |