Những cổ phiếu một thời…: PVV - Đổi đời không đổi vận

(ĐTTCO) - CTCP Vinaconex 39 (mã PVV) là một trong số ít doanh nghiệp đổi tên nhiều nhất trên TTCK. Thế nhưng, sau những lần thay tên, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVV lại đi xuống. Từ CP nóng trên HNX, PVV bị đẩy xuống UPCoM và trở thành 1 trong những mã CP thấp nhất trên TTCK.

Liên tục thay tên
Tiền thân của PVV là CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc, theo đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 15-1-2007. Ngành nghề kinh doanh chính của PVV là thi công xây dựng (công nghiệp, dân dụng, hạ tầng giao thông) và đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tháng 5-2007, với sự tham gia góp vốn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), PVV chính thức trở thành công ty con của Vinaconex và được đổi tên thành CTCP Đầu tư phát triển giao thông Vinaconex 39. Đến tháng 1-2009, PVV tiếp tục nhận được nguồn vốn từ Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Với sự tham gia của PVC và Vinaconex (tỷ lệ góp vốn lần lượt là 16,7% và 27%), PVV chính thức trở thành công ty liên kết giữa 2 tổng công ty và tiếp tục đổi tên thành CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC. Đến tháng 7-2017, PVV một lần nữa đổi tên thành CTCP Vinaconex 39 như hiện nay.
Ngày 9-9-2010, PVV đưa CP lên niêm yết trên HNX với giá tham chiếu là 38.000 đồng/CP. Dù lên sàn trong thời điểm TTCK không được thuận lợi, nhưng PVV vẫn ghi nhận được phiên chào sàn tương đối thành công khi chốt phiên ở mức giá 39.900 đồng/CP.
 Những cổ phiếu một thời…: PVV - Đổi đời không đổi vận ảnh 1 Mô tả ảnh
Mức giá 39.900 đồng/CP cũng chính là đỉnh cao nhất của PVV, bởi sau phiên chào sàn mã CP này liên tục sụt giảm và lần đầu tiên giao dịch dưới mệnh giá trong phiên 31-5-2011. Tuy nhiên, chuỗi giảm giá kinh hoàng của PVV chỉ thật sự bắt đầu sau những đợt tái cơ cấu bất thành trong những năm gần đây. Được biết, giá tham chiếu của PVV trong phiên giao dịch ngày hôm nay (4-5) là 500 đồng/CP. 
Ảo tưởng sức mạnh
Thời hoàng kim của PVV là giai đoạn 2008-2010, thời điểm doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ PVC và Vinaconex, với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt trung bình lên đến 390%/năm và 395%/năm. Đặc biệt trong năm 2010, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của PVV đạt lần lượt là 717% và 503% so với thực hiện năm 2009.
Có được mức tăng trưởng này do PVV nhận hợp đồng thi công hàng loạt những công trình trọng điểm với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng như: tổng thầu xây lắp công trình bãi đỗ xe ngầm và dịch vụ thương mại Thành Công, tổng thầu xây lắp công trình Khách sạn Lam Kinh (Thanh Hóa), đường vào Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Polyester Đình Vũ (Hải Phòng), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Chung cư Phú Đạt (TPHCM), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Quốc lộ 21, Quốc lộ 3, Cao tốc Láng - Hòa Lạc. 
Mức tăng trưởng ấn tượng này cộng với sự góp mặt của 2 cổ đông chiến lược đặc biệt, PVV không ngần ngại đặt mục tiêu trở thành công ty đầu tư trực thuộc mô hình tập đoàn. Chiến lược của PVV là lấy nguồn thu từ hoạt động xây lắp để dồn lực sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, may mắn đã không đến với PVV khi thị trường bất động sản bất ngờ bị “đóng băng” khiến nhu cầu xây lắp suy giảm theo. Năm 2012, PVV lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ với lợi nhuận sau thuế âm 48 tỷ đồng. Năm 2013, PVV tiếp tục lỗ thêm 99 tỷ đồng.
Năm 2017, PVV quyết định tái cơ cấu thêm lần nữa, nhưng lần tái cơ cấu này vẫn theo hình thức “bình mới, rượu cũ”. Cụ thể, về hình thức PVV chỉ đổi tên, trong khi chiến lược vẫn đi theo mô hình được xây dựng từ năm 2011. Cũng như các lần tái cơ cấu trước, quyết định tái cơ cầu lần này không giúp PVV “lột xác”mà còn đẩy doanh nghiệp lún sâu vào thua lỗ trong các năm tiếp theo.
Kết quả là năm 2019, PVV bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX do thua lỗ 3 năm liên tiếp: 2016 (lỗ 40,9 tỷ đồng), 2017 (lỗ 34,3 tỷ đồng), 2018 (lỗ 51 tỷ đồng). Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX, ngày 3-6-2019, PVV đưa CP lên giao dịch trên sàn UCPoM với giá tham chiếu 500 đồng/CP.

Lên kế hoạch… lỗ
Chưa kịp hoàn hồn sau khi CP bị chuyển xuống sàn UPCoM, cổ đông PVV tiếp tục đón nhận thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh năm 2019. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2019, lợi nhuận PVV tiếp tục âm 33,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là báo cáo tài chính của PVV nhận được hàng loạt ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán liên quan đến các khoản nợ phải thu khó đòi. Theo giải trình của HĐQT, nguyên nhân thua lỗ là do doanh nghiệp không còn hạn mức ngân hàng để phát hành bảo lãnh thực hiện các hợp đồng xây lắp.
Thậm chí, doanh nghiệp không còn vốn để triển khai thi công các công trình không cần bảo lãnh thực hiện hợp đồng (chủ đầu tư yêu cầu triển khai thi công trước rồi thanh toán). Chi phí tài chính (lãi vay) dù giảm so năm 2018 nhưng vẫn đứng ở mức cao (27,5 tỷ đồng) cũng là nguyên nhân khiến PVV không thể cân bằng thu chi. Đặc biệt, việc thua lỗ 3 năm liên tiếp làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong công tác đấu thầu và tìm kiếm việc làm. 
Dù lỗ nhưng với PVV đây là thành công, bởi kế hoạch kinh doanh năm 2019 được đề ra trước đó là âm 35,6 tỷ đồng. Thậm chí, HĐQT của PVV còn đánh giá năm 2019 là thành công khi cơ bản hoàn thành công tác tái cơ cấu lại các phòng ban và tinh giản biên chế bộ máy quản lý đến mức tối thiểu. Điều này cho thấy, HĐQT của PVV gần như “bó tay” trong việc lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian tới.
Ngay trong tờ trình ĐHCĐ 2020 về kế hoạch kinh doanh, HĐQT PVV thừa nhận trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khi chi phí tài chính cao, nếu không có giải pháp đột phá từ công tác tài chính thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ thua lỗ và bị âm vốn chủ sở hữu trong năm nay. Thực tế các giải pháp mà HĐQT đưa ra cũng chỉ xoay quanh các vấn đề như: bán tài sản cố định để lấy tiền trả nợ, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý doanh nghiệp, cắt giảm hội họp không cần thiết. Do không tìm ra giải pháp đột phá, PVV tiếp tục lên kế hoạch kinh doanh… thua lỗ trong năm 2020 là 30 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân thất bại được chính HĐQT PVV thừa nhận là doanh nghiệp khoác trên mình “chiếc áo” quá rộng. Đặt ra tham vọng quá lớn khi doanh nghiệp mới trong giai đoạn kiện toàn nhân sự, chưa đủ năng lực tham gia đấu thầu các dự án lớn mà chủ yếu làm nhà thầu phụ.

Các tin khác