Dấu chấm hết
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III-2019 của PVX, doanh thu thuần trong kỳ đạt 518 tỷ đồng (giảm 18%), lũy kế 9 tháng năm 2019 PVX đạt 1.623 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 26,6%). Đáng chú ý, giá vốn hàng bán ngốn gần hết doanh thu thuần, khiến lãi gộp vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng. Cụ thể, trong quý III, PVX phải chi trả gần 35 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó gần 17 tỷ đồng là chi phí lãi vay và hơn 53 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Với kết quả này, PVX tiếp tục lỗ ròng gần 20 tỷ đồng.
Việc kinh doanh dưới giá vốn cộng với gánh nặng chi phí khiến PVX ghi nhận khoản lỗ 9 tháng năm 2019 lên đến 191 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ 117 tỷ đồng. Khoản lỗ trong quý III tiếp tục làm lỗ lũy kế tính đến thời điểm 30-9 của PVX tăng lên con số khủng khiếp 3.805 tỷ đồng (tương đương 95% vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng). Năm 2017 và 2018 PVX cũng thua lỗ 416 tỷ đồng và 414 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có sự đột biến về lợi nhuận trong quý IV này PVX sẽ có 3 năm thua lỗ liên tiếp, đồng nghĩa PVX sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định của Nghị định 58/2012.
PVX cũng từng liên tiếp thua lỗ lớn vào năm 2012 và 2013, nhưng vẫn kịp thoát án hủy niêm yết phút chót nhờ sự đột biến về kết quả kinh doanh năm 2014. Thế nhưng, lịch sử sẽ khó lặp lại với PVX ở thời điểm hiện tại khi tình hình tài chính của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Cụ thể, tại thời điểm ngày 30-9, nợ phải trả ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn khoảng 391 tỷ đồng khiến cho PVX thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Cũng chính vì yếu tố này, cách đây không lâu, Kiểm toán viên đã đưa ra nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động sau khi doanh nghiệp này công bố BCTC bán niên 2019.
Bước nhảy vọt
Bước nhảy vọt
PVX trước đây là Xí nghiệp Liên hợp xây lắp dầu khí, được thành lập theo quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí số 1069/DK-TC năm 1983, trên cơ sở lực lượng cán bộ chiến sĩ binh đoàn 318 quân đội làm nhiệm vụ xây dựng chuyên ngành dầu khí tại Vũng Tàu. Đến năm 2005, Bộ Công nghiệp phê duyệt phương án cổ phần hóa PVX với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trên cơ sở chuyển đổi và sắp xếp lại các công ty cổ phần có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
PVX từng là đơn vị xây dựng những dự án lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tại ĐHCĐ bất thường năm 2008, PVX thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành riêng lẻ từ 150 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, trong đó PVN góp vốn bằng tiền mặt và chuyển quyền sở hữu vốn góp của tập đoàn tại các công ty thành viên. Đây là thời điểm phát triển vượt bậc của PVX khi tiếp nhận, thành lập mới hàng loạt công ty thành viên với những dự án khủng như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc hóa dầu Nghi Sơn… PVX nhanh chóng trở thành một trong những tổng công ty mạnh của PVN.
Ngày 19-8-2009, PVX niêm yết 150 triệu CP lên sàn HNX với giá chốt phiên giao dịch chào sàn 27.000 đồng/CP. Lên sàn trong bối cảnh TTCK không mấy thuận lợi nên PVX không có được những đợt sóng tăng ấn tượng, nhưng đổi lại là sự quan tâm đặc biệt của NĐT dành cho mã CP đầu ngành của lĩnh vực dầu khí. PVX luôn là mã CP đứng đầu trong danh sách các CP được giao dịch lớn nhất trên sàn HNX, với hàng triệu CP được giao dịch mỗi phiên. Thậm chí, PVX còn là một trong những mã CP có tác động mạnh đến chỉ số CK của sàn HNX.
Đầu tư “đốt tiền”
Đầu tư “đốt tiền”
Có thể nói, bước ngoặt của PVX đến từ quyết định tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và đỉnh điểm là 4.000 tỷ đồng năm 2012. Việc ôm số vốn quá lớn khiến lãnh đạo PVX thời điểm bấy giờ là ông Trịnh Xuân Thanh không ngần ngại “đốt tiền” khi đầu tư lĩnh vực trái ngành là tài chính, đặc biệt là dồn tiền vào bất động sản. Tính đến thời điểm 31-12-2012, PVX đầu tư ra ngoài ngành hơn 3.370 tỷ đồng, tại 41 công ty công và công ty liên doanh/liên kết. Trong giai đoạn 2012-2013, phần lớn công ty con, công ty liên kết của PVX báo cáo lỗ lớn, với lỗ lũy kết đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của PVX giảm từ 4.000 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 134 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2011, một số đơn vị thành viên của PVN, trong đó có PVX đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, PVX đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước. Tại nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVX được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVX lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVX thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVX cũng như ngân sách nhà nước.
Có thể lấy dẫn chứng từ sai phạm tại CTCP Thi công cơ giới và Lắp máy dầu khí (PVC-ME). Năm 2009, sau khi được bổ nhiệm vào ghế Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên HĐQT lúc đó đã chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVX giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm Tổng giám đốc.
Do năng lực điều hành yếu kém, PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối. Một trong những sai phạm của PVC-ME là lập quỹ trái phép với khoản tiền hơn 85 tỷ đồng chỉ để sử dụng cho hoạt động đối ngoại và tiếp khách. Theo kết luận của các cơ quan chức năng, đến năm 2012, tại PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỷ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu.