CTCP Cơ điện lạnh (REE) là 1 trong 2 mã CP đầu tiên niêm yết trên TTCK. Đến nay, dù không còn “làm mưa, làm gió” trên thị trường, nhưng REE vẫn tạo được sự chú ý với những cú “bẻ lái” kinh doanh khá bất ngờ, với tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải và nắm giữ cổ phần tại quá nhiều doanh nghiệp, đã khiến hiệu quả kinh doanh của REE “chập chờn” trước những biến động của các doanh nghiệp này.
Lịch sử thăng trầm
Ngày 28-7-2000, 15 triệu CP REE chính thức giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 16.000 đồng/CP. Phiên chào sàn của REE diễn ra khá buồn tẻ chỉ vỏn vẹn 1.000 CP được chuyển nhượng. Sau gần 2 tháng chập chờn quanh mức giá chào sàn, REE bắt đầu bứt phá từ nửa cuối tháng 10-2000 và kéo lên mốc 95.000 đồng/CP (tháng 6-2001).
Năm 2019, REE sẽ tiếp tục rót thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản, tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên doanh/liên kết trong lĩnh vực hạ tầng tiện ích. |
REE được thành lập năm 1977 với ngành nghề truyền thống là cơ điện lạnh (M&E). Đây là ngành tạo nên tuổi cho REE với các công trình M&E trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghiệp. Trong hoạt động cơ điện lạnh, REE còn sở hữu thương hiệu Reetech điều hòa không khí đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này không thực sự tạo nên hiệu quả khi thương hiệu Reetech chưa thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn khác trong cùng sản phẩm.
Đây là 1 trong những nguyên nhân khiến REE quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với các dự án cao ốc văn phòng cho thuê, mới nhất là hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng tiện ích. Dù mới chỉ đầu tư trong vài năm trở lại đây, nhưng khoản đầu tư này đã trở thành mảng kinh doanh chính của REE. Theo thống kê, tổng tài sản của REE hiện nay lên đến 17.793 tỷ đồng, trong đó mảng hạ tầng chiếm đến 43,47% (tương đương 7.736 tỷ đồng). Kế đến là bất động sản có tổng tài sản 2.978 tỷ đồng (chiếm 16,73%), cơ điện lạnh 2.649 tỷ đồng (14,88%), tài sản không phân bổ đạt 4.429 tỷ đồng (24,89%). Nhờ kết quả này, 10 năm sau giai đoạn huy hoàng (2007-2008), REE đã có nhiều đợt sóng tăng chạm mốc 40.000 đồng/CP.
Giảm chỉ tiêu để... lĩnh thưởng
Giảm chỉ tiêu để... lĩnh thưởng
Năm 2018 ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhất của REE, dù doanh thu không đạt chỉ tiêu nhưng lợi nhuận lại bứt tốc mạnh mẽ. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 5.101 tỷ đồng (đạt 90% kế hoạch) và 1.784 tỷ đồng (vượt 30% kế hoạch). Trong cơ cấu doanh thu của REE, thu từ mảng cơ điện lạnh đạt 3.427 tỷ đồng (chiếm trên 67% tổng doanh thu), nhưng chỉ mang lại chưa đến 14% tổng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó mảng điện chỉ chiếm 16,4% doanh thu nhưng đóng góp đến 53% tổng lợi nhuận, chủ yếu nhờ sự đóng góp của các công ty liên doanh/liên kết như CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP), CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH).
Tưởng chừng với kết quả cực kỳ ấn tượng trên, HĐQT của REE sẽ đẩy kế hoạch kinh doanh năm 2019 lên tầm cao mới, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Tại ĐHCĐ thường niên 2019, HĐQT của REE bất ngờ công bố kế hoạch lợi nhuận giảm đến 18% (tương ứng 1.465 tỷ đồng). Kế hoạch này gặp phải sự chất vấn gay gắt từ các cổ đông. Giải trình về kế hoạch này, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, nói: “Muốn đặt kế hoạch cao cũng được, nhưng phải dựa trên những yếu tố khách quan trong thay đổi chính sách. Do đó chúng tôi không muốn vẽ cho nhiều, thay vào đó sẽ đi sát với thực tế”.
Giải trình của bà Thanh chắc chắn không nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông. Thậm chí, nhiều NĐT cho rằng HĐQT cố tình hạ chỉ tiêu xuống thấp để sau đó nhận thưởng nhờ vượt kế hoạch. Thực tế, HĐQT của REE thường có xu hướng đề ra chỉ tiêu khá dè dặt với lý do thị trường kinh doanh khó khăn.
Đơn cử, năm 2018 nhờ vượt chỉ tiêu lợi nhuận, các thành viên Ban điều hành của doanh nghiệp đã nhận được gần 23 tỷ đồng tiền lương và thưởng. Với Ban điều hành gồm 8 người, trung bình mỗi người nhận được 2,8 tỷ đồng. Riêng bà Thanh, do kiêm cả 2 vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc nên nhận khoảng 5,6 tỷ đồng.
Thiếu chủ động trước rủi ro
Thiếu chủ động trước rủi ro
Theo báo cáo tài chính bán niên 2019, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của REE đạt 2.338 tỷ đồng (tăng 3%). Dù vậy, hoạt động tài chính kém hiệu quả, cộng thêm hụt thu từ các công ty liên doanh/liên kết, khiến lợi nhuận của REE giảm 16% còn hơn 828 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm do tình hình kinh doanh của các công ty liên doanh/liên kết kém hiệu quả.
Đơn cử, lợi nhuận của PPC giảm 19,5%, CTCP Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giảm 57,47%, TMP giảm 35,23%. Đây là 3 khoản đầu tư tác động lớn nhất đến lợi nhuận từ các công ty liên doanh/liên kết của REE. Với mảng bất động sản, trong quý II dù lợi nhuận cho thuê tăng nhờ ghi nhận doanh thu cho tòa nhà Etown Central, nhưng lợi nhuận từ mảng này vẫn giảm 44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Có thể nói, sự sụt giảm bất ngờ từ các công ty điện cho thấy REE gần như bị động trước các rủi ro. Đối với các công ty thủy điện, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy thủy điện từ cuối năm 2018. Theo thống kê, sản lượng của các nhà máy thủy điện giảm khoảng 30% trong quý I-2019 do mực nước dự trữ ở các hồ chứa thấp.
Đây chính là nguyên nhân khiến sản lượng điện của các công ty thủy điện bị sụt giảm và tác động lên lợi nhuận. Trong khi đó, các công ty nhiệt điện lại chịu nhiều áp lực từ nguồn cung than. Thời điểm cuối năm 2018 các công ty nhiệt điện phía Bắc bị ngừng trệ do thiếu nhiên liệu. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện.
(Còn tiếp)