Nơi thì không phát huy hết được chức năng, cơ sở hạ tầng xuống cấp dẫn đến hiệu quả sử dụng kém, nơi thì bị “xẻ thịt” với nhiều diện tích đất bị sử dụng sai mục đích. Vậy, Hà Nội sẽ những giải pháp gì với những công viên này?
Nền đường xuống cấp, tạo thành các ổ trâu, ổ gà. Gạch đã vỡ nát, nằm rải rác như bẫy người đi bộ. Hệ thống đèn chiếu sáng không đồng bộ. Khu vui chơi, giải trí hầu như không thể sử dụng. Đó là hiện trạng xuống cấp tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất quản lý, vận hành, có diện tích hơn 482.000 m2.
Công viên Thống Nhất được khánh thành, đưa vào sử dụng những năm 60 của thế kỷ trước, với diện tích hơn 50 ha. Đây là công viên lớn nhất Hà Nội nằm giữa bốn phố: Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu.
Sau hơn 60 năm sử dụng theo mô hình đóng, với hàng rào bao quanh, mới đây công viên Thống Nhất được được Hà Nội dỡ bỏ hàng rào, trở thành công viên mở, không thu phí vào cửa.
Tưởng rằng đây sẽ là lời giải cho bài toán đánh thức một không gian xanh đang bị ngủ quên để thu hút nhiều người dân đến với công viên hơn. Thế nhưng, người dân lại ngỡ ngàng khi thấy công viên này đang xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống rào sắt trên các tuyến phố: Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu... nhiều chỗ đã bị bong tróc lớp sơn bề mặt, rỉ sét, bung mối hàn; hệ thống kè, tiêu thoát nước trong khuôn viên do lâu ngày không được nạo vét, khơi thông, nên mỗi khi mưa xuống, nước lại ứ đọng, tràn cả rác và xác cá chết lên lối đi dạo quanh hồ.
Anh Nguyễn Mạnh Đức, trú tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Tôi thấy rác thải tại công viên ngày càng nhiều ở gần vệ hồ, cộng thêm việc cá chết nổi nhiều gây mùi khó chịu ảnh hưởng đến người dân. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân không ném rác thải xuống hồ. Ngày trước thì có bảo vệ cấm xe máy đi vào ở cổng chính, còn cổng sau thì không có bảo vệ.”
Một trong những công viên nhiều “tai tiếng” trên địa bàn Hà Nội là Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng). Vì nằm trên khu "đất vàng" nên Công viên Tuổi trẻ Thủ Đô từng là 1 trong những công trình trọng điểm của Hà Nội. Thế nhưng do gặp nhiều vướng mắc nên gần 20 năm nay, công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn là dự án “treo” với nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng.
Nhiều người tận dụng phần đất trống trong công viên để nuôi gà
Ngán ngẩm trước tình trạng xuống cấp, các công trình bị “đắp chiếu” nhiều năm nay, người dân không khỏi xót xa:
"Cả 1 cái bể bơi xây dựng rất quy mô, ngày xưa mùa hè trẻ con tụ tập bơi rất đẹp nhưng giờ họ phá hết, tiếc quá. Ngày trước trang bị cả ghế đá, ngồi trong đó tập rộng dãi nhưng giờ họ xây, làm tường rào hết xung quanh”.
"Đây là chỗ các bà tập thể dục nhưng toàn để ô tô hết, có để dọn vào 1 chỗ đâu, người ta thích là sử dụng thôi, cũng chẳng có quy định gì cả”.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tại Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô có 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng như: khu nhà văn phòng, nhà hàng, sân tennis ngoài trời...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trong một thời gian dài, đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Dịch vụ tuổi trẻ Hà Nội phát sinh nhiều vi phạm như: Trật tự xây dựng, quy hoạch và các vi phạm khác. Chúng tôi đã thực hiện hết sức quyết liệt với quan điểm thực hiện nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tất cả công trình vi phạm đều phải được lập hồ sơ. Đây là biện pháp nhằm đem lại trật tự, kỷ cương cho công viên tuổi trẻ”.
Mới đây, tại hội nghị giao ban Quý I/2023 của TP. Hà Nội để bàn về 3 nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường, đầu tư, khai thác chợ, công viên trên địa bàn thủ đô.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Võ Nguyên Phong cho biết: Hiện trên địa bàn thủ đô đang có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích, Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp 45 công viên.
Khó ai có thể nhận ra đây là 1 góc của công viên Tuổi trẻ Thủ đô, một trong những dự án trọng điểm của Hà Nội
“Các công viên đang đầu tư bằng nguồn ngân sách hoặc ngoài ngân sách đang được Sở Xây dựng đang tập trung để chỉ đạo và đôn đốc tiến độ, về cơ bản sẽ đáp ứng được tiến độ đề ra. Đối với các công viên hiện có là công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất sẽ thực hiện chỉnh trang và các công viên này sẽ theo hướng công viên mở”.
Không gian công cộng và cây xanh là nhu cầu tất yếu của người dân đô thị. Việc “làm sống lại” các công viên rõ ràng đang trở thành vấn đề thách thức với chính quyền Hà Nội. Do đó, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa để người dân thủ đô được hưởng lợi từ các công viên một cách công bằng và tự do.
Theo VOV