Những danh ca gắn liền dòng nhạc Trịnh

(ĐTTCO) - Ca sĩ hát nhạc Trịnh rất nhiều, bởi mức độ phổ cập của nhạc Trịnh trong đời sống, nhưng rất ít gương mặt để lại ấn tượng cho công chúng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung chụp chung trong một buổi tập nhạc. Tác giả: Dương Minh Long.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung chụp chung trong một buổi tập nhạc. Tác giả: Dương Minh Long.

Liệu hàng trăm ca sĩ hát nhạc Trịnh, có mấy người đồng cảm với nỗi bâng khuâng gửi gắm “nơi em về trời xanh không em, nơi em về ngày vui không em”?

1. Ca sĩ hát nhạc Trịnh có những mục đích khác nhau, vì bản thân yêu thích, vì khán giả yêu cầu, hoặc đơn giản vì chạy theo trào lưu. Số lượng ca sĩ hát nhạc Trịnh không thể thống kê hết, nhưng ít người thành công.

Nguyên nhân bởi nhạc Trịnh không phải dòng ca khúc thuận lợi để phô diễn kỹ thuật hay kết hợp màu mè hiệu ứng sân khấu. Nhạc Trịnh mang đầy dấu vết thân phận với ca từ giàu hình ảnh triết lý. Ca sĩ không đủ chiều sâu văn hóa để hiểu nhạc Trịnh không cách nào hát được tinh thần văn hóa của nhạc Trịnh.

Ca sĩ hát nhạc Trịnh đầu tiên là danh ca Thanh Thúy (sinh năm 1943, hiện sống ở Mỹ). Gia cảnh khốn khó, lại phải lo viện phí cho người mẹ bị bệnh lao, danh ca Thanh Thúy đi hát tại Sài Gòn từ năm 15 tuổi. Nhiều lần chứng kiến danh ca Thanh Thúy vừa hát “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong vừa tủi thân lau nước mắt tại phòng trà Văn Cảnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết tặng ca khúc “Ướt mi”.

Danh ca Thanh Thúy đã trình diễn “Ướt mi” tạo được tiếng vang lớn vào đầu năm 1959: “Ngoài hiên mưa rơi rơi/Lòng ai như chơi vơi/Người ơi nước mắt hoen mi rồi/Đừng khóc trong đêm mưa/Đừng than trong câu ca”. Đến cuối năm 1959, danh ca Thanh Thúy thành công tiếp với một ca khúc khác do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng bà “Thương một người”. Tuy nhiên, nhạc Trịnh không phải chọn lựa của danh ca Thanh Thúy, mà bà phát huy sở trường ở thể loại bolero.

Năm 1965, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe danh ca Khánh Ly hát trong phòng trà Tulipe Rouge ở Đà Lạt và nhận ra “một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly”. Từ đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tập trung sáng tác những ca khúc phù hợp với giọng hát Khánh Ly.

Và nửa thế kỷ trôi qua, danh ca Khánh Ly trở thành ca sĩ hát nhạc Trịnh được yêu mến tột bậc. Nhắc đến Trịnh Công Sơn là nhắc đến Khánh Ly, và ngược lại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về danh ca Khánh Ly: “Một người bạn của định mệnh và vĩnh viễn thương yêu nhau. Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất”.

Cách hát nhạc Trịnh của danh ca Khánh Ly thật đắm đuối và mê hoặc. Đôi khi người nghe có cảm giác Khánh Ly không phải đang hát, mà thay mặt Trịnh Công Sơn trình bày một lời kinh số phận. Chính sự hiện diện của danh ca Khánh Ly đã làm lu mờ nhiều ngôi sao tìm kiếm sự kết nối với nhạc Trịnh như Lan Ngọc, Cẩm Vân, Lệ Thu, Khánh Hà, Thanh Lam…

2. Bởi mức độ lan tỏa sâu rộng của nhạc Trịnh trong cộng đồng, nên nhiều thế hệ ca sĩ trẻ đã thử sức với những tác phẩm Trịnh Công Sơn. Các ca sĩ Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Lô Thủy, Giang Trang hát nhạc Trịnh theo kiểu của họ, và gặt hái được kết quả tương đối khiêm tốn.

Gần đây, công chúng chú ý đến 2 ca sĩ Hà Lê và Hoàng Trang. Nếu ca sĩ Hà Lê xuất thân từ một rapper sử dụng các bản phối thời thượng để tạo ấn tượng cho khán giả, còn ca sĩ Hoàng Trang quay về phương pháp hát mộc giống như Khánh Ly thuở nào, chân chất thả hồn phiêu lãng trong khuôn viên Đại học Văn khoa Sài Gòn.

So với các ca sĩ trẻ hiện nay, ca sĩ Quang Dũng và ca sĩ Trần Thu Hà có diễm phúc được một khoảng thời gian tiếp xúc gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Quang Dũng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng ca khúc “Biển nghìn thu ở lại” vào năm 1999 để làm bài hát chủ đề cho album đầu tay.

Ca sĩ Trần Thu Hà được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ tặng bức chân dung sơn dầu và khuyên lấy nghệ danh Hà Trần. Thế nhưng, ca sĩ Quang Dũng và ca sĩ Trần Thu Hà đều chưa tạo được từ trường thẩm mỹ cá nhân khi hát nhạc Trịnh.

Trường hợp ca sĩ Hồng Nhung đặc biệt hơn. Do có nền tảng từ quan hệ tâm giao giữa bố mình - dịch giả Lê Văn Viện và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên ca sĩ Hồng Nhung nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cái tên gọi thân mật Bống của ca sĩ Hồng Nhung trở thành chất liệu để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác 3 ca khúc “Bống bồng ơi” vào năm 1993, “Bống không là Bống” vào năm 1995 và “Thuở Bống là người” vào năm 1998.

Ca sĩ Hồng Nhung thổ lộ về 3 món quà độc đáo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Câu chuyện cổ tích với 3 đoạn, đoạn đầu Bống là cá, sau Bống lên trên cuộc đời để làm cô gái, và cuối cùng Bống lại trở về làm cá. Trong đó, có lẽ “Thuở Bống là người” là bài hát buồn nhất, bởi vì khi nhảy lên bờ đi chơi phố, em tìm tình trong nắng lại gặp cơn mưa tìm tình giữa chợ tình đi mất rồi, nên cuối cùng không tìm thấy tình yêu trong cuộc đời này, em sẽ trở về hồ để lại làm cá Bống”.

Thế nhưng, sau những râm ran ngoài nghệ thuật, ca sĩ Hồng Nhung hát nhạc Trịnh như thế nào? Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận định: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích, có người không thích. Tuy nhiên, tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới, phù hợp với cái tiết tấu của thời đại. Một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại, chứ không phải là kẻ được nhắc suông từ quá khứ”.

Một ca sĩ nữa hát nhạc Trịnh được nhiều người chú ý là Trịnh Vĩnh Trinh. Không phải vì Trịnh Vĩnh Trinh có tài năng vượt trội, mà vì Trịnh Vĩnh Trinh là em gái út trong số 8 người em ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhiều album của Trịnh Vĩnh Trinh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chăm chút rất tỉ mỉ.

Thậm chí, Trịnh Công Sơn còn huy động bằng hữu là đạo diễn, quay phim, nhiếp ảnh… để giúp Trịnh Vĩnh Trinh có được sản phẩm như ý muốn. Thế nhưng, giọng hát Trịnh Vĩnh Trinh vẫn trầm bổng loay hoay trong cái bóng Trịnh Công Sơn rợp mát tình thân.

Dù thành công không giống nhau, nhưng mỗi ca sĩ hát nhạc Trịnh đều có vương vấn tri ân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Cẩm Vân bày tỏ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở TPHCM, âm nhạc của Trịnh Công Sơn thấm vào tôi như những lời ru của mẹ. Tôi yêu, hát nhạc Trịnh từ ngày còn nhỏ và thấy mình học được nhiều điều không trường lớp nào dạy. Khi tôi hát nhạc Trịnh, tôi học nhiều thứ ở trong đó, con người mình bình tĩnh hơn, có sự thiền”.

Còn danh ca Khánh Ly khẳng định: “Những ca khúc của anh chính là tấm gương soi cho tôi nhìn lại rõ mình, tìm lại được chính mình từ những mất mát. Tôi đã được chia sẻ, được an ủi nâng đỡ trong từng phút giây. Người hát nhạc Trịnh hay nhất phải là Trịnh Công Sơn. Ông cũng luôn là người đầu tiên hát những ca khúc của mình với đầy đủ cảm xúc và tâm trạng”.

Các tin khác