Tư tưởng nhất quán
Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình (Thủ đô Hà Nội) đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn. Tại cuộc mít tinh này, trước nửa triệu đồng bào họp mặt, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Người đã khẳng định một cách đanh thép rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đoạn văn rất ngắn, chỉ có hai câu. Câu một khẳng định nước Việt Nam đã là nước tự do, độc lập; dân Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập. Nhưng vì quân Pháp, Nhật còn trên đất nước ta, tự do độc lập còn bị đe dọa nên Bác viết tiếp câu sau. Đây là câu khẳng định ý chí sắt đá giữ vững tự do, độc lập của dân tộc ta. Sự quý giá của độc lập, tự do đã tạo nên ý chí bảo vệ độc lập, tự do. Đó chính là nguồn gốc làm nên sức mạnh dân tộc.
Năm 1969, mặc dù lúc này sức khỏe đã giảm sút, Bác lại có “lời kêu gọi” toàn thể quân và dân: “Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”.
Rồi vẫn nguyên vẹn ý chí của Tuyên ngôn độc lập 1945, trong Di chúc, Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.
Như vậy, từ Tuyên ngôn độc lập 1945 đến Di chúc 1969, trải qua 24 năm chiến tranh chống Pháp, Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong bất kỳ thời điểm nào, dù là tuyên ngôn hay thư thăm hỏi, dù là lời kêu gọi hay chúc Tết, dù lúc khỏe hay khi đã yếu thì trước sau như một, ý chí chống xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập, hòa bình và thống nhất nước nhà, xây dựng đất nước giàu mạnh trong Bác vẫn ngùn ngụt bốc cao và nhất quán. Ý chí ấy truyền đến toàn quân, toàn dân ta thành ý chí của cả dân tộc.
Giờ đây, mỗi lần kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9, chúng ta càng nhớ đến Tuyên ngôn độc lập của Bác, nhớ đến bản Di chúc thiêng liêng của Người và càng thấy rõ trách nhiệm bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước hùng cường của mỗi người Việt Nam trong thời đại mới.
Phát huy di sản của Người để lại
79 năm sau thành công của Cách mạng tháng Tám và 55 năm thực hiện Di chúc của Bác, đến nay đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhìn lại những điều Bác căn dặn trong Di chúc, đến nay Đảng ta thực hiện rất thành công trên nhiều phương diện.
Bác căn dặn, khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đi đến độc lập, thống nhất đất nước, Đảng đã lãnh đạo cả dân tộc hoàn thành vào năm 1975.
Tiếp đó, chúng ta lại tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Rồi nhiệm vụ xây dựng đất nước ngay sau chiến tranh chúng ta cũng đã thực hiện tốt.
Đặc biệt, kể từ khi có đường lối Đổi mới năm 1986 đến nay, đất nước đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Kinh tế không ngừng phát triển, đất nước ra khỏi khủng hoảng và tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Đáng chú ý, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về việc xây dựng Đảng. Bởi từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của các thời kỳ trước, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc Cách mạng tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến tiếp theo, bên cạnh những mặt tốt, mặt đúng đắn cũng đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện tiêu cực.
Người đã sớm nhìn thấy những nguy cơ về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nguy cơ về chủ nghĩa cá nhân, gắn liền với đó là những tiêu cực khác; xuất hiện tâm lý hưởng thụ, lo vun vén lợi ích riêng. Người cũng đã cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải với một Đảng sau khi giành được thắng lợi đó là tính kiêu ngạo và tham nhũng.
Chính vì vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”.
Đọc lại Di chúc càng thấy được những điều căn dặn của Bác Hồ rất căn bản. Cái gốc nhất vẫn là đạo đức. Bác viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Nhìn vào cuộc đấu tranh chống lại những suy thoái trong Đảng hiện nay, chúng ta càng cần phải ngẫm lại Di chúc của Bác. Có thể nói rằng, các Nghị quyết của Đảng trong những năm qua luôn thấm đẫm tư tưởng và việc làm cụ thể hiện thực hóa những điều Bác dặn.
Những quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý các tiêu cực của cán bộ, đảng viên được làm đến nơi đến chốn. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Quan trọng đó là củng cố niềm tin của Nhân dân; cảnh báo, cảnh tỉnh để những cán bộ đảng viên tránh khỏi những sai lầm.
Từ thực tiễn đổi mới của những năm qua, lại càng thấy ý nghĩa, giá trị to lớn mà Di chúc đem lại cho thời đại. Di chúc là một cương lĩnh hành động lâu dài. Quá trình xây dựng, phát triển đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, song vẫn tồn tại những nguy cơ, cần nhìn nhận, sửa chữa, chấn chỉnh.
Các nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tham nhũng, lãng phí và “diễn biến hòa bình” vẫn diễn ra, có phần phức tạp hơn. Trong khi mức sống vật chất không ngừng tăng lên, thì lại có một bộ phận dân cư có biểu hiện xuống cấp về chuẩn mực văn hóa, đạo đức, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái.
Thực tế đó đòi hỏi phải suy nghĩ về điều Bác đã viết trong Di chúc, chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng là cuộc chiến đấu để tạo ra “những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là những vấn đề đang cần phải tiếp tục thực hiện.