Những điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

(ĐTTCO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, bổ sung Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 11-2023).
Cán bộ Công an quận 12 (TPHCM) hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản Dịch vụ công trực tuyến Ảnh: NGÔ BÌNH
Cán bộ Công an quận 12 (TPHCM) hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản Dịch vụ công trực tuyến Ảnh: NGÔ BÌNH

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) có một số điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014.

Mở rộng đối tượng áp dụng

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) - gọi tắt là Dự thảo luật - mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Ngoài công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Dự thảo luật còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam (là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam) để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này. Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm

Điều 3 Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng luật. Các từ ngữ sửa đổi, bổ sung gồm: Cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chủ thể danh tính điện tử; danh tính điện tử của cá nhân; hệ thống định danh và xác thực điện tử; tài quản định danh điện.

Đề xuất chứng minh nhân dân sử dụng đến hết ngày 31-12-2024

Theo Dự thảo luật, khi Luật này có hiệu lực sẽ thay thế Luật Căn cước công dân hiện hành; đồng thời, thay thế cụm từ “kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử” tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 bằng cụm từ “kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử”.

Dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên...

Cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi

Dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân, Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật Căn cước công dân hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an” để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo luật.

Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trong thời hạn 7 ngày làm việc

Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng: kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 7 ngày làm việc.

Bổ sung quy định về căn cước công dân điện tử

Đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành nhằm quy định về căn cước điện tử; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng căn cước công dân điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử, hướng tới thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu.

Các tin khác