Trong bài viết trước, ĐTTC đã chỉ ra khả năng CP được STB thỏa thuận mua bán với 7 cá nhân giảm 75% không dễ xảy ra cũng như đặt câu hỏi về sự phù hợp khi “đợi” CP giảm đến 75% mới tiến hành xử lý. Một NĐT bình thường còn có thể thắc mắc về việc xử lý rủi ro khi giá CP giảm 75% thì tại sao một ngân hàng (NH) lớn như STB lại không biết làm sao để cho “dễ nhìn” hơn?
Giả thiết 1: Từ hòa đến lỗ
Theo giải trình của STB vào ngày 11-9 cũng như văn bản của Công ty Kiểm toán PwC ngày 12-9 gửi cho HOSE, cổ đông và NĐT chỉ mới biết STB và 7 cá nhân có thỏa thuận mua và bán lại CP của CTCK Beta, CTCK Phương Nam và NHTMCP Bưu điện Liên Việt trong thời hạn 6 hoặc 12 tháng, nhưng lại không biết có khả năng đem lại thu nhập, lợi nhuận bao nhiêu.
Tuy nhiên, STB lại công bố những phương án xử lý trong trường hợp giá CP giảm đến 75%, vô hình trung cổ đông và NĐT mới chỉ thấy rủi ro chứ chưa thấy lợi nhuận.
Sau khi báo ĐTTC có bài viết về “STB-PNS và những bí ẩn”, Sacombank đã có phản hồi cho rằng ý kiến của Công ty TNHH Pricewaterhouse Cooper Việt Nam (PwC) về thỏa thuận của Sacombank trong việc mua và bán lại CP của CTCK Beta, CTCK Phương Nam và Ngân hàng Cổ phần Bưu điện Liên Việt với 7 cá nhân có thông tin không chính xác ở câu chữ dẫn đến hiểu nhầm. Cụ thể: “Trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, nếu giá thị trường của những CP mà STB đã mua giảm 75% so với giá mua ban đầu” là không chính xác. Thông tin đúng là “trong thời gian thỏa thuận còn hiệu lực, nếu giá thị trường của các cổ phiếu này sụt giảm dẫn đến thấp hơn 75% giá thị trường được xác định tại thời điểm ký thỏa thuận…”. Tức chỉ cần giá thị trường CP mà STB mua giảm trên 25% là STB sẽ thực hiện xử lý theo 3 yêu cầu. |
2 phương án đầu tiên STB đưa ra cho 7 cá nhân khi CP giảm 75% là mua lại trước hạn toàn bộ số chứng khoán bằng với giá STB đã mua ban đầu cộng với chi phí sử dụng vốn, hoặc sẽ ký quỹ số tiền tương ứng với giá trị sụt giảm của CP so với giá NH đã mua trước đây.
Nếu 7 cá nhân thực hiện 1 trong 2 phương án nêu trên thì dòng vốn của STB không bị ảnh hưởng khi CP giảm giá. Tuy nhiên, câu chuyện có thể rẽ sang hướng khác nếu phương án thứ 3 được thực thi.
Theo phương án 3, STB sẽ phải bán chứng khoán cho bên thứ 3 để thu hồi vốn nhằm hạn chế thiệt hại. Theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2012 của STB ghi nhận giá trị của số chứng khoán này là 757,3 tỷ đồng. Theo lẽ thường, NH là bên cho vay, thường phải nắm đằng cán, tài sản rủi ro lớn (giả sử có khả năng giảm đến 75%) thì việc định giá cũng cần phải thận trọng cao đến mức đủ bù đắp rủi ro.
Thí dụ: CP A có giá 10.000 đồng, NĐT X đem CP đến NH để vay cầm cố, và NH chấp nhận cầm cố với giá trị 2.500 đồng/CP và giải ngân cho NĐT X. Như vậy, nếu giá CP A giảm 75% chỉ còn 2.500 đồng/CP và NĐT X không có tiền trả lại cho NH, thì NH có thể bán ra CP này với giá 2.500 đồng/CP hoặc thấp hơn đôi chút để thu lại tiền cho mình. Tất nhiên, CP A phải có thanh khoản và việc định giá chuẩn xác.
Tuy nhiên STB chỉ công bố chung 3 loại CP chứ không nói rõ số lượng cụ thể và giá của từng CP nên rất khó để đánh giá. Giả định khi mức giá của các CP trong thỏa thuận của STB giảm đến 75% và STB có thể bán được với giá trị 757,3 tỷ đồng, không thua lỗ, tức là STB đã định giá đúng và thận trọng, thì tổng giá trị thị trường ban đầu của số CP này lên đến khoảng 3.000 tỷ đồng.
Và nếu giả định tiếp giá trung bình của số CP này là 10.000 đồng/CP thì tổng khối lượng CP cũng lên đến 300 triệu CP. Như vậy, cho dù STB có định giá đúng đi chăng nữa, việc “xả” một lúc 300 triệu CP cũng không phải dễ dàng, ngay cả đối với thị trường niêm yết chứ chưa nói đến thị trường OTC (3 CP này đều chưa niêm yết).
Giả thiết 2: từ lỗ đến lỗ lớn
Cần nhấn mạnh là STB đã cho các cá nhân lựa chọn 1 trong 3 chứ không hề ràng buộc một điều kiện nào. STB đã tự tin vào khả năng xử lý của mình và năng lực của các đối tác hay còn lý do nào khác nữa? Để trả lời cho vấn đề này, thiết nghĩ nên tìm hiểu đằng sau các thỏa thuận này là gì?
Trong thời điểm hiện nay, đầu tư an toàn nhất có lẽ là gửi tiền vào NH. Nếu STB tính chi phí sử dụng vốn cho các cá nhân tương đương lãi suất cho vay mềm nhất trong thời điểm hiện nay là 9%/năm, giả sử 7 cá nhân áp dụng phương án 1 trong thời hạn 12 tháng, các cá nhân này có thể tìm NH để gửi tiết kiệm trở lại với lãi suất 12%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Như vậy chênh lệch sẽ là 3%/năm cho khoản tiền 757,3 tỷ đồng, tương đương 22 tỷ đồng. Số tiền này có thể lớn đối với NĐT cá nhân thông thường, nhưng nếu so với các NĐT lớn thì có lẽ không “thấm béo” vào đâu. Vả lại, nếu là NĐT cá nhân thông thường thì cũng không “khiến” STB phải tạo ra một nghiệp vụ “lạ” để rồi phải mất nhiều thời gian giải trình.
NĐT và cổ đông rất khó nhận diện đằng sau nghiệp vụ "lạ" của STB. Ảnh: LÃ ANH |
Như đã nói ở trên, cho dù STB định giá thận trọng đi chăng nữa, thì nếu giá CP giảm 75% và NH này tiến hành “xả hàng” cũng không đơn giản vì số lượng CP quá lớn. Nhưng thử đặt giả thiết nếu có NĐT sẵn sàng mua vào thì sao?
Theo lẽ thường, khi bên bán “vô thế” phải bán thì sẽ bị bên mua ép giá, như vậy cho dù giá trên thị trường giảm 75% nhưng có khi phải bán với giá giảm còn hơn 75%. Giá bán càng thấp, thiệt hại của STB cũng sẽ càng lớn dần. Ở đây thử đặt giả thiết, nếu 7 cá nhân thông qua nhiều cách để tạo ra một bên thứ 3 tiến hành mua vào với giá rẻ, rõ ràng những người này đã bán đắt cho STB và sau đó mua vào giá rẻ thành công.
Thay vì bán với giá 757,3 tỷ đồng, chỉ cần STB bán rẻ hơn 5% cho bên “thứ 3” thì đã tạo ra lợi nhuận hơn 37 tỷ đồng cho 7 cá nhân. Số tiền này lớn gấp đôi so với giả thiết đem tiền gửi NH. Ở đây, cần nhấn mạnh rằng khi vô thế “phải bán” thì bán rẻ 5-10% hay thậm chí 15-20% bên bán cũng phải “nhắm mắt” mà chấp nhận. Hơn nữa, trong BCTC cũng không hề đề cập 7 cá nhân này thế chấp tài sản một khi “bỏ của chạy lấy người”.
Mặc dù tất cả những gì đã nêu trên đây là giả thiết, nhưng rõ ràng những điều kiện và thông tin liên quan đến thỏa thuận của STB với 7 cá nhân đều có thể khiến những giả thiết này trở thành thực tế.
Đó cũng là lý do vì sao trong văn bản được PwC gửi đến HOSE và STB, ký tên Richard Peters, Phó Tổng giám đốc PwC, có đoạn: “Đây là lần đầu tiên, Sacombank sử dụng nghiệp vụ mới, có giá trị trọng yếu, mức độ rủi ro cao, trong khi lại chưa có các hướng dẫn kế toán từ các cơ quan có thẩm quyền, nên chúng tôi đã lưu ý vấn đề này trên báo cáo rà soát cũng như có những khuyến nghị cụ thể với NH qua thư quản lý về việc hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro của NH”.
Tăng cường quản lý rủi ro nghiệp vụ ngân hàng Xoay quanh nghiệp vụ “lạ” của STB mà ĐTTC phản ánh, một chuyên gia NH cho biết, tất cả các nghiệp vụ của NHTM đều phải được sự cho phép của NHNN, trong đó NHNN đưa ra quy chế tín dụng, quy chế cho vay cầm cố, chiết khấu… kèm theo đó phải có hạch toán kế toán, dự phòng rủi ro, tài sản bảo đảm… Từ nghiệp vụ “lạ” này đặt ra câu hỏi trong dư luận rằng STB đã được sự cho phép của NHNN để thực hiện nghiệp vụ “lạ” này chưa và STB quản lý rủi ro như thế nào để bảo đảm đúng quy định của NHNN? Một điểm tối kỵ khi thực hiện một nghiệp vụ mà ở đó không quản lý được rủi ro thì nguy cơ rủi ro tiềm ẩn cho NHTM rất lớn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện nay nước ta có hàng trăm nghiệp vụ chưa có cơ chế hạch toán, nên trong điều kiện ấy các NHTM sẽ phải linh động xây dựng cơ chế hạch toán cho phù hợp và có lợi cho NH. Ngoài ra, cũng có thể do quy định quản lý nhà nước của NHNN không can thiệp sâu vào NHTM nên có những vấn đề NHNN không nắm được thực tiễn dòng tiền của NH. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Thống đốc NHNN trả lời trên diễn đàn chất vấn của Quốc hội rằng không biết dòng tiền dùng để thâu tóm NH từ đâu”. Qua vụ việc này cho thấy hệ thống NHTM Việt Nam đang trong giai đoạn cân đối thị trường chưa thực sự mạnh, vẫn cần phải được sự giám sát chặt chẽ của NHNN để đảm bảo ổn định kinh tế. Do đó, những vấn đề nào nếu chưa có phải tăng cường giám sát bổ sung chức năng, NHNN phải nắm bắt và giám sát được dòng tiền của các NHTM để quản trị rủi ro trên toàn hệ thống. Thanh Thiên |