Bây giờ nghĩ lại thấy rằng có được một “ông” anh họ như thế, thật chả khác một cái “mỏ” quý, để mình đào bới, nghe ngóng mãi, được biết bao nhiêu là chuyện ở quê, dù có những chuyện, những việc chưa hẳn đã đúng, đã chính xác. Nhưng những chuyện quê nhà được “dịch” qua con mắt một đứa trẻ làng háo hức kể, cho một đứa trẻ thị xã đang náo nức nghe thật là kỳ thú, thật là lung linh, lại hợp với đứa thích đọc truyện và hay nghĩ ngợi lơ vơ là tôi.
Anh họ đưa tôi theo qua những vườn bỏ không um tùm cỏ và cây dại, bước ra đường xóm ngoằn ngoèo, bắn một con chim ở bụi tre đằng này, nó bay sang cái cây cao cao ở cách đó dăm trăm mét, bọn trẻ con cũng len lỏi chạy theo qua những khoảnh vườn, những bụi, những khóm, những vạt cỏ cây mà có khi lúc chơi xong về đến nhà mới thấy chân tay mình có vết xước.
Tiếng chim líu ríu trên đầu có lẽ chỉ bọn trẻ làng mới nhìn thấy nó đậu ở đâu, và chỉ kia con chào mào, kia có con sẻ... Còn tôi may lắm chỉ thấy loáng một vệt đen nhỏ lướt đi trên những cành tre. Và cũng chỉ có trẻ làng cầm cái súng cao su kéo căng viên sỏi nhỏ vút đi là có thể trúng con chim sẻ tít trên cao. Còn như tôi hoặc chẳng xác định được hướng chim đứng, hoặc cứ nhắm mắt bắn bừa, sỏi đập qua lại các thân tre lách cách, có lần dây chun quật trúng tay mình đau phát khóc.
Anh họ còn cho tôi đi nhấc vó tôm. Những cái vó nho nhỏ bằng miếng vải màn buộc bốn góc vào bốn que tre nhỏ, bốn đầu que kia chụm vào nhau buộc nối với cái cần.
Đặt vó xuống chỗ mép ao từ sáng sớm, hoặc từ tận đêm hôm qua, để tôm nó bò vào đấy. Có khi nhấc lên bắt được cả cá nhỏ. Tôi thấy là lạ khi nhìn cái vó bé, liên tưởng đến cái vó bè ở ngoài sông mà mỗi lần vào đường làng, mẹ chở xe đạp đi trên bờ nhìn xuống, thấy cái vó bè hiện ra sau trạm bơm như một thứ gì thật to lớn.
Những cành tre buộc nhau dài lêu nghêu chìa ra phía trước. Khi có người kéo, màn lưới từ từ nhấc cao lên, và tôi tưởng người mặc áo vá víu đang đứng trên bè kia không thật như một người bình thường giống mình, mà có gì đó lạ lẫm, xa xôi, tôi có cảm giác hơi sợ. Còn cái lều rách trên bè lại gợi lên bao nhiêu tò mò, không biết người ta cất những gì trong ấy.

Tôi hay hỏi về cái người ấy, nhưng mẹ tôi rất không muốn tôi hay muốn biết này biết nọ như thế. Dường như có những lo sợ mơ hồ của người lớn cho những đứa trẻ con có vẻ sáng sủa, muốn tìm hiểu quá nhiều. Mà tôi nào có thông minh gì cho cam, chỉ hỏi, hỏi thật nhiều, hỏi mãi đến khi người lớn phát cáu lên.
Vì tôi là một đứa trẻ thôi mà. Tất nhiên, cứ hỏi mãi sao mẹ gọi ông là thầy, bà là u, không gọi là bố mẹ như con gọi bố mẹ ý, hoặc sao có lúc mẹ gọi là ông bà xưng con, mà sao không gọi là bố mẹ xưng con, làm sao mẹ tôi giải thích được. Còn bố tôi nói thêm ngày xưa ở phố, bố gọi ông nội bằng cậu, gọi bà nội bằng mợ, nghe thế tôi thật hoang mang, vì tôi cũng biết cậu ở nhà quê, nhưng đấy là em trai của mẹ tôi, còn vợ của cậu ấy thì tôi gọi bằng mợ…
Quê nhà cứ mở ra như thế, bao nhiêu lạ lẫm, cuốn hút, ngay từ cái tên gọi, từ những cái cột dựng lên đỡ bộ khung xà có khắc hình hoa lá với những diềm màu, mà ở trên khu tập thể toàn nhà xây gạch tôi chỉ thấy tường vuông vức chứ làm gì có hình thù, tô vẽ như thế.
Quê lạ từ chiếc cổng nhà phủ rêu có đắp nổi hoa dây và chữ nho, lạ đến những cặp chị em bế nhau đi chơi khắp xóm ngõ, rồi thể nào cũng thêm một hai đứa nữa nhóm thành một nhóm, lôi nhau đi hết cả buổi, chân đất, mặt nhọ nhem, áo quần lôi thôi, không mũ mão gì. Có lúc tôi cứ đứng nhìn một đám ngồi bệt trên đất chơi chuyền bằng những que tính và quả bưởi con mà sao chúng nó đọc ở đâu ra những câu vần hay thế, lạ thế.
Quê trở thành lạ đối với tôi, bởi nhà nào cũng có chó. Và cứ ai đi vào ngõ, một con nhà này sủa là truyền thành chuỗi, chó từ các nhà khác cứ thế sủa râm ran lên. Đi đâu tôi hay mang cái gậy để sẵn sàng “chiến đấu”. Nhưng các dì tôi lại dọa, mày cầm gậy chúng nó lại tưởng đánh nó, nó cắn đấy.
Thế thì chẳng biết đường nào mà lần. Cho nên không bao giờ khi bỏ ngủ trưa đi lang thang đường làng, tôi lại chịu về một mình, mà phải có các anh đi cùng. Thế mà lại có một trong những anh chơi “ác”, đang cùng đi nói chuyện cây, chuyện chim, chuyện ma linh tinh, “nó” chạy một mạch lên phía trước làm cho tôi cuống lên chạy theo, mà hình như một con chó ở đâu đã đứng ở cái cổng phía sau lưng đằng kia rồi.