Những ông đồ trẻ

(ĐTTCO)-Giữa nét vui tươi, hiện đại ở thành phố quanh năm nhộn nhịp, những giá trị văn hóa của ngày tết xưa vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng nhiều người, như tục xin chữ ông đồ ngày tết vẫn được nhiều người thích thú và duy trì trong những năm qua.
Ông đồ trẻ cho chữ ngày xuân
Ông đồ trẻ cho chữ ngày xuân

“Qua góc này chụp, rồi lại mua thư pháp nha”. “Không biết năm nay được cho chữ gì, chữ năm rồi tui còn giữ mới tinh…”.

Giữa nét vui tươi, hiện đại ở thành phố quanh năm nhộn nhịp, những giá trị văn hóa của ngày tết xưa vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng nhiều người, như tục xin chữ ông đồ ngày tết vẫn được nhiều người thích thú và duy trì trong những năm qua.

1. Chọn một tranh thư pháp treo tường đã được viết sẵn chữ “Cha - Mẹ” và vài bao lì xì để chờ ông đồ cho chữ, Nhã Lạc (21 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết: “Đã hai năm nay, năm nào tôi cũng mua thư pháp để tặng ba mẹ, cũng chỉ là món quà nhỏ dịp năm mới thôi, nhưng thấy ba mẹ rất thích và treo ở ngay phòng khách. Còn mấy bao lì xì này để dành tặng người thân trong gia đình, mỗi chữ sẽ mang một ý nghĩa như một lời chúc tốt đẹp dành cho mỗi thành viên trong nhà”.

Không chỉ lựa thư pháp để dành tặng gia đình những câu chữ ý nghĩa trong ngày tết, thư pháp còn trở thành món quà để nhiều bạn trẻ gửi gắm tình cảm hay lời chúc dành cho nhau trong những ngày năm mới cận kề. Đi cùng bạn gái và nhờ ông đồ đề chữ “Duyên” lên bức tranh có hình long phụng ở góc trái, Hoài Phong (27 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 6) chia sẻ: “Tôi và bạn gái dự định tổ chức đám cưới vào năm sau, sẵn ra đây chơi nên tôi xin chữ “Duyên” để tình cảm hai đứa luôn bền vững. Tranh thư pháp treo trong nhà cũng hay, tôi có treo khá nhiều thư pháp ở nhà, mỗi chữ thư pháp đều có ý nghĩa và đi kèm những câu thơ răn dạy điều hay”.

2. Thư pháp giữa lòng thành phố hôm nay vẫn là những nét chữ “phượng múa rồng bay” tuy nhiên hình thức thể hiện đa dạng hơn. Và người cho chữ cũng không hẳn là các bậc cao niên, mà nhiều ông đồ chỉ vừa đôi mươi, không ít khách gọi vui là các “anh đồ”.

Bên cạnh tài viết chữ, các ông đồ trẻ cũng sáng tạo hình thức thể hiện để thu hút khách. Tranh thư pháp 3D của Đặng Thanh Dự (25 tuổi) được nhiều khách thích thú, vẽ một lớp rồi đổ một lớp keo, đợi keo khô rồi lần lượt thực hiện đến lớp thứ 7. “Tranh thư pháp 3D vẽ kiểu này khá mất thời gian, thường khách muốn mua cứ đến đặt trước rồi đi dạo chơi, chụp ảnh quanh đây vài giờ thì quay lại lấy. Kỳ công đến 7 lớp keo thì tranh giữ được lâu hơn và khi nhìn vào bức thư pháp sẽ có chiều sâu, thu hút mắt nhìn hơn”, anh Dự cho biết.

Bên cạnh những tranh thư pháp viết chữ theo yêu cầu của khách hàng, nhiều khách cũng hào hứng với chuyện chờ đợi ông đồ cho chữ. Anh Đặng Thanh Dự kể: “Theo kinh nghiệm 3 năm làm ông đồ ở đây của tôi, khi khách để ông đồ tự cho cho chữ, thường với khách trẻ mình sẽ dành những chữ liên quan đến tài lộc, công việc hanh thông hay tình duyên đôi lứa. Còn khách có tuổi mình tặng những chữ cầu sức khỏe, an lành, thảnh thơi trong cuộc sống, như vậy sẽ phù hợp với từng độ tuổi, người nhận chữ sẽ hào hứng hơn vì đúng vấn đề họ đang quan tâm trong cuộc sống”.

3. Nhận bức thư pháp và xin chụp ảnh cùng người cho chữ, cô Julia Nguyễn (50 tuổi, Việt kiều Canada) chia sẻ: “Năm trước, tôi cũng ghé gian hàng này, đem mấy tranh thư pháp về nhà, ông xã khen đẹp, nhưng khách đông quá không xin chụp hình được, năm nay phải tranh thủ chụp tấm hình làm kỷ niệm với ông đồ”.

Cô khách rời đi, “ông đồ trẻ” Xuân Thành (21 tuổi, sinh viên Đại học Mỹ thuật TPHCM) cảm ơn rối rít, vì khách quen năm ngoái ghé lại. Thành kể: “Được mặc áo dài truyền thống rồi cho chữ mọi người trong dịp năm mới, vừa giúp mình có thêm thu nhập, nhưng hơn hết vẫn là niềm vui vì khách đi chơi tết vẫn còn quý ông đồ và quý thư pháp, để giá trị văn hóa tốt đẹp trong ngày tết xưa vẫn được lưu truyền”.

Và không chỉ có nam, năm nay, không ít các “bà đồ” trẻ cũng thể hiện tài múa bút đầy nghệ thuật. “Thư pháp không chỉ dành riêng cho nam hay nữ, mỗi người chịu khó học và rèn luyện thì đều có thể viết, tùy năng khiếu mỗi người mà nét chữ sẽ khác nhau, tuy nhiên cái chung vẫn là giữ lấy sự trong sáng của tiếng Việt và những câu chữ răn dạy điều hay lẽ phải trong cuộc sống”, chị Phạm Xuân Kiều (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bộc bạch.

Mỗi nét chữ cho đi, một lời hay được gửi gắm, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn tồn tại và thích nghi cùng nhịp sống hiện đại. Đó là cách mà nhiều người trẻ hiện nay hướng tới.

Các tin khác