PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Hội khảo cổ học Việt Nam cho rằng, trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Việt Nam, từ xưa tới nay, khi phát hiện mộ táng thường nghiên cứu, chụp ảnh ngay trên hiện trường, dỡ mộ đưa về các cơ quan nghiên cứu rồi chuyển lại bảo tàng ở các địa phương. Chỉ đến di chỉ khảo cổ học Nước Trong (Quảng Ngãi), việc bó thạch cao và chuyển mộ về bảo tàng để nghiên cứu mới được thực hiện.
“Việc làm này có lợi ích là nghiên cứu được sâu hơn và có điều kiện để gia cố, giữ lại trưng bày các ngôi mộ đẹp có ý nghĩa khoa học. Đây trở thành kinh nghiệm đối với những cuộc khai quật sau này, đặc biệt là với các mộ chum trong nền văn hóa Sa Huỳnh”, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường nói.
Dự án nghiên cứu, xử lý bằng các phương pháp khảo cổ học truyền thống, phục dựng 10 chum gốm, 10 vò gốm, nồi bát gốm sinh hoạt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày bảo tàng; phục dựng, bảo quản các công cụ đồng, sắt…
Kết quả, đến nay có 24 mộ táng được chỉnh lý và phục dựng, bảo quản 6 mộ đất, 19 mộ quan tài gốm; phục dựng 80 đồ gốm tùy táng bao gồm nồi, bình, bát, hũ. Đồng thời xử lý bảo quản 10 di vật chất liệu đồng, sắt trong mộ táng; 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm; phân tích thạch học gốm 20 mẫu...
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, đặc trưng của khai quật tại di chỉ khảo cổ học Nước Trong là mộ táng lòng hồ Nước Trong gồm mộ đất, mộ quan tài gốm, đa số mộ táng được phát hiện là mộ của cư dân tiền Sa Huỳnh, lớp trên di chỉ này xuất hiện mộ văn hóa Sa Huỳnh, nằm ở rìa di chỉ. Tư liệu mộ táng vùng lòng hồ Nước Trong cho thấy người tiền Sa Huỳnh để mộ cư trú, còn người Sa Huỳnh để mộ ngoài nơi cư trú.
Giai đoạn tiền Sa Huỳnh tồn tại nhiều kiểu táng thức như mộ đát kè gốm xung quanh, mộ huyệt tròn chèn những mảnh gốm, mộ quan tài gốm dạng chum hình trứng, hình trụ, mộ nồi, mộ vò, mộ nồi. Sang đến giai đoạn Sa Huỳnh có sự thay đổi, chỉ còn gặp mộ quan tài gốm, đa số là mộ chum hình trứng, hình trụ, đôi khi có nắp đậy hình nón cụt.
Các di tích mộ táng vùng lòng hồ Nước Trong đã bổ sung một loại hình văn hóa Sa Huỳnh miền núi trong bản đồ khảo cổ học Tiền sử Việt Nam, khẳng định văn hóa Sa Huỳnh miền núi Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam, một cầu nối giữa tiền sử Tây Nguyên với đồng bằng biển - đảo, đóng góp thêm tự liệu phác thảo diện mạo văn hóa, xã hội cư dân tiền sử Quảng Ngãi.
Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa khảo cổ đã có những tham luận nhằm phân tích, đánh giá giá trị văn hóa Sa Huỳnh khu vực lòng hồ Nước Trong qua các loại hình mộ táng, qua các di vật gốm, đá, kim loại, trang sức; qua kết quả phân tích mẫu bằng phương pháp đồng vị C14, các giải pháp bảo tồn và định hướng trưng bày, phát huy văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi.
TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, thông qua kết quả khai quật khảo cổ và chỉnh lý nghiên cứu đã xác nhận có nền văn minh phát triển rực rỡ của cư dân Sa Huỳnh có sắc thái, đặc trưng miền núi, về niên đại kéo dài hơn 1.000 năm từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt, từ tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh. Nơi đây có ý nghĩa như một bức tranh thu nhỏ của thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh duyên hải miền Trung Việt Nam.
NGUYỄN TRANG