Những sáng kiến thiết thực của người thầy giáo vùng sâu

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên một giáo viên ở vùng sâu xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) được tỉnh chọn gương điển hình dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, sắp tới. Anh là Huỳnh Hoàng Voi, 34 tuổi, mà nhiều người quen gọi thân mật là “thầy Voi… sáng kiến”, bởi nhiều sáng kiến mới, thiết thực của anh  thu hút đông đảo học sinh say mê học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương. 
Thầy Voi (áo trắng) hướng dẫn các giáo viên của trường ứng dụng CNTT trong giảng dạy
Thầy Voi (áo trắng) hướng dẫn các giáo viên của trường ứng dụng CNTT trong giảng dạy
Góp sức cho quê hương
Những ngày cuối tháng 9-2020, từ Cần Thơ chúng tôi phải mất gần 3 giờ đi qua những con đường nông thôn ngoằn ngoèo, rồi qua nhiều đò ngang sông mới đến được xã vùng sâu Phong Đông. Trường TH&THCS Phong Đông bước vào năm học 2020-2021 với hơn 721 học sinh các cấp; trong đó có 176 em là người dân tộc Khmer, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc đến lớp đạt 100%. 
Thầy Mai Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Năm học này nhà trường rất vui bởi đông đủ học sinh đến lớp và đặc biệt là thầy Voi, một giáo viên của trường vừa được tỉnh chọn gương điển hình dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sắp tới. Đây là gương điển hình duy nhất trong ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang”. 
Không chỉ thầy Hùng, hầu hết giáo viên của trường đều tỏ ra phấn khích trước sự kiện một giáo viên vùng sâu sắp được ra thủ đô Hà Nội dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Bản thân thầy Huỳnh Hoàng Voi thừa nhận quá bất ngờ khi được tỉnh chọn, đây là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm nặng nề, hy vọng sau khi dự đại hội toàn quốc sẽ học hỏi thêm nhiều điều bổ ích, mở mang kiến thức để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nửa cho ngôi trường thân yêu của quê hương mình. 
Tiếp xúc với chúng tôi, thầy Huỳnh Hoàng Voi vừa vui mừng, vừa hồi hộp bộc bạch: “Mình sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn sâu, cách rất xa trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện đi lại khó khăn. Cha mẹ mình luôn nhắc nhở, ngày trước (giai đoạn năm 1980 - 1990) tỷ lệ mù chữ ở các vùng nông thôn xứ này khá cao, nhiều học sinh đến tuổi nhưng chưa được đi học bởi trường lớp tạm bợ, giáo viên thiếu trầm trọng… Mong muốn của gia đình là nỗ lực cho con cái ăn học tới nơi tới chốn, vừa có kiến thức và lập nghiệp sau này”. 
Ý thức điều đó, Huỳnh Hoàng Voi học hành chăm chỉ và sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Kiên Giang học ngành hóa sinh. Năm 2007 ra trường, anh về công tác ở Trường THCS Vĩnh Phong 2. Đến năm 2010, khi Trường TH&THCS Phong Đông xây dựng xong, anh tình nguyện về quê hương phục vụ, được nhà trường phân công giảng dạy môn hóa học và sinh học ở khối lớp 8, lớp 9. Anh còn nỗ lực học lên đại học và thạc sĩ…
Những sáng kiến thiết thực của người thầy giáo vùng sâu ảnh 1 Tập thể trường TH&THCS Phong Đông trở thành trường tốp 3 thi đua của huyện… 
Phương pháp giảng dạy mới lôi cuốn học sinh
“Hóa và sinh là những môn học mà không ít học sinh ngán ngại, do đó để hấp dẫn, thu hút được học sinh cần nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp, nhằm lôi cuốn các em say mê môn học” – thầy Huỳnh Hoàng Voi tâm sự.
Thế là anh lao vào tìm tòi, học hỏi về công nghệ thông tin (CNTT). Nhiều đêm thức trắng để lên mạng tìm kiếm, thiết lập phương pháp dạy và học mới… Sau thời gian thử nghiệm, năm 2015, anh đưa ra sáng kiến “Ứng dụng trò chơi đoán chữ” vào dạy môn sinh học lớp 8. Theo đó, từ những khái niệm trong bài học, anh lựa chọn ra “từ khóa” để học sinh đoán trong làm bài. Phương pháp này sẽ giúp học sinh dễ nhớ, dễ thuộc bài, ngoài ra khi đưa các trò chơi vào môn học sẽ tạo được không khí học tập sôi động và giúp học sinh dễ nhớ hơn cách học thuộc lòng. 
Cụ thể, ngay năm đầu  ứng dụng trò chơi đoán chữ đã có 100% học sinh nắm vững kiến thức và vận dụng tốt việc học môn sinh, nhiều học sinh đã yêu thích môn học này. Nhờ đó, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt với tỷ lệ 77,3% học sinh giỏi, tăng 11,3% so với khi chưa áp dụng; 100% học sinh có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt, tăng 62% so với khi chưa áp dụng. Sau đó, UBND huyện Vĩnh Thuận quyết định công nhận sáng kiến trên và triển khai áp dụng cho các trường THCS trên địa bàn huyện. 
Từ thành công trên, anh tiếp tục nghiên cứu đưa ra “Ứng dụng Onenote online để bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả”. Anh tạo không gian để người dạy và người học trao đổi trên máy tính về các môn học, cùng các kiến thức bổ ích giúp học sinh nâng cao hiểu biết và nắm bài học vững chắc hơn. 
Năm học 2017-2018, anh tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao chất lượng dạy học qua ứng dụng phần mềm zalo, bằng cách thiết kế những video nội dung môn học, thiết kế câu hỏi trên zalo để học sinh tham khảo, chọn đáp án… Nhờ đó giúp nhà trường tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi lên 23,6%, học sinh yếu giảm xuống 2,9% so khi chưa áp dụng. Sáng kiến này cũng được huyện Vĩnh Thuận cho thực hiện rộng rãi ở các THCS toàn huyện.
Gần đây, Huỳnh Hoàng Voi đưa ra sáng kiến về sử dụng bài tập online môn sinh và hóa học nhằm nâng cao chất lượng học tập. Kết quả, thu hút nhiều học sinh tự học và chuẩn bị bài cho tiết học tăng 35% so chưa áp dụng; tỷ lệ học sinh khá, giỏi cũng tăng được 17,9%... Từ năm 2015 đến nay, anh cùng các giáo viên của trường thực hiện 72 giải pháp cấp trường và 38 giải pháp cấp huyện về nâng cao chất lượng giáo dục, được công nhận. 
Cùng với nhiều sáng kiến hiệu quả giúp ngành giáo dục địa phương nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua anh còn tích cực tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”, do Bộ GD-ĐT và Microsoft Việt Nam tổ chức. Đây là cuộc thi nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào quá trình dạy và học, tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát triển nghề nghiệp của giáo viên. 
Theo thầy Huỳnh Hoàng Voi, CNTT là phương tiện rất cần thiết trong đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay, từ đó đem đến những tiết học hiệu quả, tăng cường tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, giúp học sinh chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức... Năm 2015, anh được giải khuyến khích ở cuộc thi này. 
Gương học tập làm theo lời Bác
 Nhiều sáng kiến và hàng chục giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của thầy Voi được Hội đồng chuyên môn của huyện thẩm định đạt yêu cầu và được UBND huyện công nhận, triển khai rộng rãi cho các trường áp dụng. Thầy Voi cũng là giáo viên đầu tiên của huyện từ trước đến nay, được chọn điển hình dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc…
Ông Nguyễn Đông Thành,
Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận
Hiệu trưởng Mai Văn Hùng tiết lộ, thời gian đầu mới thành lập trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay cơ sở vật chất khá hơn nhiều, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Toàn trường có 38 máy tính, 6 laptop… đảm bảo cho các giáo viên ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Nhà trường cũng sử dụng phần mềm quản lý nhân sự, quản lý học sinh, quản lý điểm, thống kê; học sinh tự đánh giá kết quả học tập… 
Đối với những bài giảng hay được đưa lên trang web nhằm phục vụ nghiên cứu, trao đổi, giúp quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn, giữa phụ huynh với nhà trường thân thiết hơn. Tất cả những kết quả trên là do sự đóng góp công sức của thầy Voi mang lại.
“Với sự năng động, cầu tiến và ham học hỏi CNTT đã giúp thầy Voi tiến bộ rõ rệt về lĩnh vực này. Và thầy Voi luôn dành nhiều thời gian để hướng dẫn từng giáo viên sử dụng máy tính, soạn giáo trình, bày giảng trên máy… nhờ đó mà chất lượng giảng dạy của giáo viên được cải thiện đáng kể” - thầy Hùng nhận xét. 
Nhiệt tình công tác, hết lòng vì ngôi trường thân yêu và tận tình hỗ trợ đồng nghiệp, Huỳnh Hoàng Voi được tập thể tín nhiệm bầu chọn làm Chủ tịch Công đoàn trường. Trên cương vị này, anh tiếp tục vận động thành lập quỹ chăm lo đời sống cho giáo viên khi khó khăn, đau yếu; hỗ trợ kinh phí cho giáo viên khi xây nhà; hàng năm tặng quà và trao học bổng cho nhiều học sinh nghèo để các em tiếp tục đến lớp, phối hợp cùng địa phương trồng đường hoa ở nông thôn... 
Từ năm học 2014-2015 đến nay, Công đoàn trường liên tục đạt vững mạnh, đối với Chi bộ nhà trường cũng đạt trong sạch vững mạnh 5 năm gần đây. Trường TH&THCS Phong Đông từ khó khăn đã vươn lên tốp 3 các trường thi đua của huyện. Bản thân Huỳnh Hoàng Voi 4 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cùng nhiều bằng khen các cấp trao tặng…
Ông Võ Thanh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Vĩnh Thuận, tự hào: “Tinh thần vượt khó vươn lên của thầy Voi đã đem đến luồng gió mới, góp phần đưa một ngôi trường non trẻ ở vùng sâu Phong Đông được nhiều người biết đến với chất lượng dạy và học không ngừng cải thiện. Từ đó, tạo sức lan tỏa tích cực đến nhiều ngôi trường khác trong huyện. Điều này làm cho các ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận rất vui mừng. Gần đây, thầy Voi còn tích cực tham gia cùng với huyện, thiết kế các sản phẩm truyền thông tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19… 
Năm 2018, thầy Voi được UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2019, thầy tiếp tục được Thủ tướng tặng bằng khen thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016- 2019…

Các tin khác