Trong quá khứ, nhiều bộ phim đã khiến người xem “lạnh sống lưng” và suy ngẫm về những thông điệp giá trị.
Phim Những ngày không quên lồng ghép nhiều thông điệp về phòng chống Covid-19
Đa chiều
Tối 6-4, tập đầu tiên của bộ phim Những ngày không quên (đạo diễn NSƯT Danh Dũng - Trịnh Lê Phong) lên sóng trên giờ vàng VTV1. Nối dài những câu chuyện cũ từ 2 bộ phim Về nhà đi con và Cô gái nhà người ta, kết hợp chúng lại một cách nhuần nhuyễn, Những ngày không quên nhận được sự chờ đợi của đông đảo khán giả. Nhưng điểm đặc biệt nhất chính là bối cảnh, nhân vật, câu chuyện trong phim được đặt vào một thời điểm dịch Covid-19 đã tràn ngập mọi ngõ ngách của đời sống.
Đám cưới của Khoa và Uyên phải hoãn. Gia đình ông Sơn về làng Yên ăn giỗ thì làng có người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 đi ngang qua, khiến cho làng bị cách ly. Vũ, chồng Thư nằm ở vùng dịch châu Âu không thể bay về. Quốc, chồng Huệ vừa bay từ nước ngoài về đã bị cách ly. Nhiều vấn đề xã hội nhức nhối cũng được đề cập trong phim: đổ xô đi tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tin giả, trốn cách ly…
Theo đại diện ê kíp, giá trị bộ phim mang đến là câu chuyện về tình người, về ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, về sự đoàn kết và chung tay, sự tri ân với những lực lượng tuyến đầu.
Phản ứng nhanh với dịch Covid-19 là cách để các nhà làm phim, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới xây dựng những câu chuyện đầy tính thời sự thông qua cách kể khác nhau. Với tên gọi Corona, nhà làm phim người Canada Mostafa Keshvari đã có những thước phim điện ảnh đầu tiên về dịch này. Khởi động từ cuối tháng 1, ông mất 2 tuần viết kịch bản, cộng thêm 10 ngày dàn dựng bối cảnh.
Ý tưởng nảy ra trong một lần đi thang máy khiến ông quyết tâm thực hiện bộ phim thuộc thể loại kinh dị, xoay quanh câu chuyện về sự phân biệt chủng tộc. “Đây không chỉ là vấn đề của một chủng tộc. Điều quan trọng, loài người phải cùng nhau đánh bại virus. Virus không phân biệt kỳ thị, vậy tại sao chúng ta lại như vậy?”, đạo diễn Mostafa Keshvari nhấn mạnh về thông điệp mà bộ phim dài 63 phút muốn truyền tải. Bộ phim đang được phát hành trực tuyến trên toàn cầu.
Phim tài liệu có lẽ là hình thức thể hiện được các nhà làm phim lựa chọn nhiều nhất trong bối cảnh hiện tại. Ngay khi dịch mới bùng phát, bộ phim Tâm chấn - 24 giờ ở Vũ Hán dài 57 phút được xem là phim tài liệu chính thức đầu tiên về dịch được thực hiện. Phim được dựng lại với các dữ liệu quay trực tiếp 24/7 tại các bệnh viện của Vũ Hán từ ngày 24-1 và được ê kíp sản xuất của Mỹ hỗ trợ phần hậu kỳ. Phim được hoàn thành với tốc độ thần tốc: 4 ngày.
Ngay sau đó, phim tài liệu ngắn Đêm trường Vũ Hán cũng gây sốt trên cộng đồng mạng. Một phim tài liệu khác là Tôi sống ở Daegu do đài KBS sản xuất vừa được phát sóng tại Hàn Quốc, ghi lại cuộc sống thường nhật của người dân TP Daegu những ngày chiến đấu với dịch Covid-19.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện đã có 2 dự án phim tài liệu đang được tiến hành. Nhóm sản xuất phim tài liệu kênh VTV7 từ cuối tháng 3 đã có mặt tại các điểm nóng: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện bộ phim về cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng vừa được chấp thuận cho sản xuất bộ phim Cuộc chiến không giới hạn (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, biên kịch Vũ Thị Diệp) với nội dung về sự chủ động, tích cực, khoa học và tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Chính phủ, toàn quân và toàn dân ta.
Phim về dịch sốt trở lại
Khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trên các nền tảng trực tuyến, loạt phim về dịch bệnh đặc biệt thu hút sự chú ý của khán giả, trong đó có những phim ra mắt cách đây vài chục năm. Kingdom (Vương triều xác sống) lấy bối cảnh về dịch bệnh zombie dưới thời đại Joseon, xen lẫn yếu tố lịch sử và kinh dị vừa lên sóng mùa 2 từ ngày 13-3 trên Netflix đã gây sốt toàn cầu.
Trước đó, series gốc đầu tiên của Hàn Quốc ra mắt mùa 1 ngày 15-1-2019 từng nhận được 93% phản hồi tích cực với điểm số 8/10 trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes (mùa 2 có 100% phản hồi tích cực với điểm số 8,25/10). Với sức hút đó, nhiều thông tin mùa 3 đang trong giai đoạn chuẩn bị. Đầu năm 2020, Pandemic: How to Prevent an Outbreak, bộ phim tài liệu 6 phần mang lại cái nhìn toàn diện về các dịch cúm từng bùng nổ trong lịch sử cũng lên sóng trên Netflix và gây chú ý.
Xa hơn, ra mắt từ năm 2013, bộ phim World War Z (Thế chiến Z) với sự tham gia của tài tử Brad Pitt trong vai cựu điều tra viên của Liên hiệp quốc thực hiện nhiệm vụ truy tìm nguồn gốc của bệnh dịch đã tràn ngập khắp thế giới và bảo vệ thế giới mà mình đang sống, cũng gây sốt trở lại.
Hai tác phẩm rất đáng chú ý của điện ảnh Hàn Quốc là Flu (Đại dịch cúm - 2013) và Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử - 2016) cũng rất đáng chú ý. Phần tiếp theo của Train to Busan với tên gọi Bán đảo Peninsula cũng sẵn sàng chờ ngày ra rạp tại Việt Nam. Danh sách các bộ phim về đại dịch có thể kể đến: Outbreak, Virus, 12 Monkeys, Daybreakers, Contagion, Cargo… Có một điểm chung, dù thuộc thể loại tài liệu, kinh dị, tâm lý xã hội… nhưng các phim đều tôn vinh những con người quả cảm, chấp nhận nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để chống lại dịch bệnh.