Cắm cờ 2 nước trước lễ cưới
Bản Atu 1, xã Ch’ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm cuộn tròn giữa bốn bề núi cao. Từ đây qua các bản Tomo, Tà Vàng (huyện Kalum, tỉnh Sê Kông, Lào) non 3 tiếng đi bộ đường rừng. Vào những ngày lễ tết, trai gái 2 bên biên giới thường qua lại, giao duyên, kết nên những mối tình đẹp xuyên biên giới.
Anh Bhing Đông (35 tuổi) sinh sống tại bản Atu 1, vui mừng chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi sẽ ăn tết rất lớn, bởi vợ tôi đã có quốc tịch Việt Nam và các con tôi được làm giấy khai sinh, được đi học”. Bhing Đông là chàng trai Cơ Tu sống trong vùng biên giới giáp Lào, trong một lần sang Lào giúp dì làm nhà đã phải lòng cô gái Lào Zơrâm Thị Nái (34 tuổi, bản Tà Vàng, huyện Kalum, tỉnh Sê Kông, Lào) và họ đã cưới nhau đầu năm 2012. Lễ cưới diễn ra tại nước bạn Lào, nhưng họ không đăng ký kết hôn được vì không đủ giấy tờ tùy thân. “Chúng tôi yêu nhau thì lấy nhau thôi, cũng chẳng biết phải làm sao nên chúng tôi đã cắm 2 cây cờ 2 nước trước cửa nhà để mọi người biết đám cưới”, anh Bhing Đông kể.
Lấy nhau xong, theo phong tục bắt chồng của người Lào, Bhing Đông phải ở rể tại Lào đến cuối năm 2012, sau đó vợ chồng dắt nhau về Việt Nam sinh sống. Ban đầu vợ anh Bhing Đông không được nhập tịch, 2 đứa con anh cũng không được làm giấy khai sinh. Đến tháng 12-2019, khi đứa út mới sinh được vài tuần thì vợ anh đã được nhập tịch, 3 đứa con cũng được làm giấy khai sinh luôn một lần với giấy đăng ký kết hôn của ba mẹ. Không dừng lại ở đó, các chế độ cho người miền núi, bảo hiểm… cũng được các cấp ngành, địa phương hỗ trợ đầy đủ. Gia đình anh Đông vui mừng khôn xiết. Trước đây, gia đình anh Đông ở dưới thung lũng, từ ngày vợ anh được công nhận nhập tịch, anh đã được thôn cho đất, dự định ăn tết xong sẽ cất nhà mới.
Cũng như anh Đông, anh Tangôn Nhong lấy vợ là Pơloong Thị Xoom qua những lần đi buôn bán bên Lào. Chị Pơloong Thị Xoom sống ở bản Avol (huyện Kalum, tỉnh Sê Kông, Lào) gặp và lấy anh Tangôn Nhong khi chị vừa 22 tuổi. Đám cưới diễn ra năm 2002 và đến nay anh chị đã có với nhau 7 đứa con.
Cuộc sống khó khăn nên đầu năm 2016, anh chị dắt 6 đứa con về Việt Nam sinh sống, tuy nhiên những đứa trẻ đã không được đi học, không được làm giấy khai sinh. “Trước khi nhập tịch Việt Nam, tôi cũng có hộ khẩu bên Lào, nhưng vì đám cưới không có đăng ký kết hôn nên chồng tôi không thể nhập tịch Lào. Được như thế này tôi vui mừng lắm, cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đến cuộc sống của gia đình tôi. Từ nay tôi là người Việt Nam”, chị Pơloong Thị Xoom tâm sự.
Tạo điều kiện cho công dân Lào
Thôn Tra Nóc, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang là nơi có nhiều người Lào qua lại buôn bán. Do quãng đường sang Lào chỉ gần 10km, nên nếu đi bộ chỉ hơn 1 giờ. Ông A Lăng Rép, Phó Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm, cho biết: “Nhiều trường hợp người Cơ Tu xưa nay vẫn ở đất Lào, sau ngày thống nhất đất nước, chính phủ có chủ trương nếu hộ nào thích về bên Lào để phân định ranh giới thì về, còn hộ nào thích ở bên Việt Nam thì ở. Những trường hợp được nhập tịch vừa qua là do họ lấy vợ lấy chồng chứ người dân tự dưng sang nhập tịch thì không có. Xã Ch’Ơm có 3 trường hợp được nhập tịch Việt Nam. Cuộc sống của bà con mới về đây rất khó khăn, nhưng người dân trong thôn đã giúp bà con có được cái nhà ở. Hộ ông Tangôn Nhong vừa rồi được Ban chỉ huy quân sự huyện hỗ trợ 1 ngôi nhà 50 triệu đồng, hiện cũng đã ổn định. Còn 2 hộ kia bây giờ chỉ có nhà tạm, vừa rồi huyện Tây Giang hỗ trợ cho mỗi hộ 20 tấm tôn, 50 ký gạo và một ít tiền để họ đón tết tươm tất hơn”.
Theo ông ALăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, trong đợt nhập tịch lần này, huyện có 14 hộ người Lào được nhập tịch Việt Nam, nhiều nhất tỉnh, bởi huyện Nam Giang có biên giới giáp với huyện Đắc Chưn, tỉnh Sê Kong, nước CHDCND Lào. “Người Lào tại Nam Giang không nhiều, khoảng 20 người.
Trước đây, khi chưa có quyết định của Chủ tịch nước, nếu họ lấy vợ lấy chồng thì mình xem như công dân của Việt Nam rồi nên huyện chủ động tạo điều kiện cho họ sinh sống chứ không phân biệt người Lào hay người Việt Nam. Vì vậy, các quyền lợi chính sách hỗ trợ cho họ như bảo hiểm y tế, hộ nghèo, các chính sách có liên quan đến các chương trình của chính phủ… đều được thực hiện bình đẳng như nhau”, ông ALăng Mai nói.
Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết, theo tinh thần ký kết giữa Việt Nam với Lào, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo bà con có một quốc tịch, qua đó có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân để người dân có niềm tin vào nhà nước, cùng chăm lo xây dựng đất nước, xây dựng quê hương.
Cuối tháng 12-2019, tại xã biên giới Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố và trao Quyết định số 1148/QĐ-CTN ngày 3-7-2019 của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh. 20 trường hợp người Lào nhập quốc tịch Việt Nam vào cuối năm ngoái hầu hết là phụ nữ theo chồng. Không ít người đã định cư tại các bản làng vùng cao tỉnh Quảng Nam cả chục năm, nhưng chưa được công nhận là người Việt. Ngoài 6 trường hợp ở Tây Giang, còn có 14 trường hợp khác ở các xã biên giới của Nam Giang. Tất cả đều đã được công bố và trao quyết định chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, cùng một số giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật. |