Nợ công các nước phát triển vượt 100% GDP

Dù tỷ lệ thâm hụt ngân sách đã giảm gần một nửa từ mức đỉnh khủng hoảng năm 2008, nhưng tỷ lệ nợ công/GDP vẫn sẽ trên 100% cho đến năm 2019.

Dù tỷ lệ thâm hụt ngân sách đã giảm gần một nửa từ mức đỉnh khủng hoảng năm 2008, nhưng tỷ lệ nợ công/GDP vẫn sẽ trên 100% cho đến năm 2019.

 

Ngày 9-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận định nợ công tại các nước phát triển đang cho thấy những dấu hiệu ổn định nhưng "vẫn ở mức cao nhất lịch sử".

Tại các nền kinh tế phát triển, những biện pháp chính sách gần đây nhìn chung đã cho phép ổn định tỷ lệ nợ công nhưng triển vọng trong trung hạn vẫn còn chưa chắc chắn và nợ công vẫn giữ ở mức cao nhất lịch sử. Theo dự báo của IMF, tỷ lệ nợ công trung bình của các nước phát triển dự kiến đạt 107,1% GDP trong năm nay, trước khi giảm nhẹ 0,2% GDP trong năm 2015.

Tuy nhiên, Sanjeev Gupta - chuyên gia của IMF cho biết tỷ lệ nợ công trung bình tại các nước phát triển "vẫn sẽ cao hơn 100% GDP cho đến năm 2019".

Trong tương quan so sánh với các nước mới nổi, nơi tỷ lệ nợ công được dự báo sẽ ở mức 33,7% GDP trong năm nay, có thể thấy gánh nặng nợ công tại các nước phát triển cao hơn đáng kể. Tuy vậy, IMF cũng cảnh báo áp lực trả nợ có thể tăng lên ngay cả đối với các nước mới nổi nếu các nước phát triển, trong vai trò của chủ nợ lại rơi vào tình trạng giảm phát.

Mặt khác, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trung bình của các nước phát triển đã giảm gần một nửa từ mức đỉnh khủng hoảng năm 2008 xuống còn khoảng 3,5% GDP. Tuy nhiên do tỷ lệ nợ công vẫn còn cao nên IMF đưa ra lưu ý trong ngắn hạn, các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" cần được tiến hành ổn định từng bước trong phần lớn các nước công nghiệp phát triển. Nhưng giai đoạn thắt chặt ngân sách lần này sẽ ít gây tác động cản trở lên quá trình phục hồi kinh tế.

Trong dài hạn hơn, IMF kêu gọi các nước phát triển tiến hành những kế hoạch "đáng tin cậy hơn" để giảm thâm hụt ngân sách và khẳng định rằng việc giảm chi tiêu công có thể là điều không thể tránh khỏi do nguồn thu thuế thấp.

Các tin khác