Theo Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân, tỷ lệ nợ công của Việt Nam được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp tới là "suýt soát" 64% GDP.
Thông tin nêu trên được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, trong buổi trao đổi được Phòng thương mại và công nghiệp của khu vực này (Eurocham) tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội.
Cụ thể, trước mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về nợ công của Việt Nam, bà Kim Ngân khẳng định đây là vấn đề được Quốc hội hết sức lưu ý. "Chúng tôi quy định nợ công không vượt quá 65% GDP. Với tính toán mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này, mức đó đạt suýt soát 64%", bà cho biết.
Cũng theo vị này, bên cạnh số liệu thống kê về tỷ lệ nợ, điều được cơ quan quản lý quan tâm là khả năng trả các khoản vay đúng hạn. "An toàn là vay thì tới hạn phải trả, đảm bảo khả năng trả đúng hạn. Chúng tôi vẫn còn nằm trong mức cho phép, không được vượt qua", Phó chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Trước đó, tại phiên làm việc ngày 9/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, con số 64% GDP cũng đã được báo cáo của Chính phủ đề cập. Đây là mức dự kiến đến hết năm 2015. Trong khi đó, con số ước tính đến hết năm 2014 tương đương 60,3% GDP. Tuy vậy, những dự báo này cũng nhận được nhiều lo lắng từ các đại biểu cũng như bản thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
"Sang năm nợ công đã ở mức hơn 64% rồi, không được trên 65%. Thế đến đến năm 2016, 2020 lấy gì mà bội chi, lấy gì mà phát triển nữa?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Ngoài vấn đề nợ công, tại buổi tiếp xúc ngày 13/10, Phó chủ tịch Quốc hội cũng thông báo với nhà đầu tư nước ngoài triển vọng GDP của Việt Nam. Theo đó, dù nhiều tổ chức quan ngại việc không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm nay, Chính phủ vẫn quyết giữ mục tiêu đã báo cáo, và thực tế mức tăng trưởng 9 tháng đã đạt 5,54%.
Về lạm phát, trong 9 tháng đầu năm nay, CPI giữ ở mức 2,24% và ước cả năm tăng khoảng 4,5 đến 4,7%. Kết quả này thấp hơn nhiều so với con số mà Quốc hội mong muốn là 7%. Thêm một điểm sáng của bức tranh kinh tế là mảng xuất khẩu đang cho thấy tín hiệu phục hồi, với khả năng xuất siêu trong năm nay.
Giải ngân vốn xây dựng cơ bản từ các nguồn ODA ngân sách, trái phiếu Chính phủ, FDI, đều được thông báo tăng so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 73% kế hoạch cả năm. Vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt hơn 11,2 tỷ USD, bằng 67% so với cùng kỳ, đạt 68% kế hoạch năm.
Nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu, bà Ngân cho biết, với Việt Nam, đầu tư nước ngoài là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ở mức độ quốc gia, năng lực quản lý kinh tế, hội nhập sâu rộng. Năm nay, Quốc hội Việt Nam sẽ cho sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh một số Luật Thuế. Mục đích là nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho tất cả các nhà đầu tư cùng tham gia.