Học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM được cô giáo hướng dẫn viết chữ trong ngày đầu học trực tiếp. Ảnh: CAO THĂNG
Mừng vui được gặp cô, gặp bạn
Được ba đưa đến trường từ khá sớm, Trịnh Ngô Thảo Như, học sinh lớp 2/7, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, ngày đầu tiên trở lại trường em được thầy cô tặng một bao lì xì đỏ và làm quen với nhiều bạn mới. “Từ hôm nay, con không phải học với máy tính nữa mà được đến trường nghe cô giảng trực tiếp và ăn trưa cùng các bạn nên vui lắm”, Thảo Như khoe.
Tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TPHCM), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Dung cho biết, ngày học đầu tiên, giáo viên dành thời gian giới thiệu về trường lớp, dẫn học sinh đi tham quan và làm quen nề nếp sinh hoạt tại trường. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trường không tổ chức hoạt động tập trung đông người, thay vào đó giáo viên từng lớp tổ chức các hoạt động sinh hoạt gần gũi đầu giờ, qua đó giúp học sinh có tâm trạng phấn khởi, không bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên trở lại trường”, cô Dung bày tỏ. Đại diện nhiều trường tiểu học cũng cho biết, trong tuần lễ đầu tiên đi học, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh các thói quen phòng dịch, xây dựng lại nề nếp học tập, nắm bắt và phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học trực tuyến.
Phối hợp tốt với phụ huynh
Ở bậc mầm non, cô Trần Lương Diễm Phúc, giáo viên Trường Mầm non 10 (quận 11, TPHCM) chia sẻ, tuần lễ đầu tiên trường chưa tổ chức ăn sáng, phân chia khung giờ tập trung của từng khối lớp để đảm bảo giãn cách an toàn cho các con. Cô Phúc cho biết, ban đầu nhiều phụ huynh còn lo lắng giờ tập trung của khối Lá hơi sớm, từ 6 giờ 45 đến 7 giờ sáng khiến trẻ không kịp ăn sáng tại nhà nhưng sau khi nghe giáo viên giải thích về phương án phòng chống dịch thì tất cả đều đồng lòng. Bữa ăn trưa đầu tiên của các con ở lớp sau hơn 9 tháng không được đến trường diễn ra trật tự nhưng đầy hào hứng.
“Trong tuần này, hai Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ theo sát tình hình đi học lại của học sinh, xử lý ngay những trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh, đồng thời giúp phụ huynh an tâm, tin tưởng. Mong muốn của thành phố là tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất cho tất cả học sinh, đảm bảo dạy học diễn ra liên tục, ổn định, không gây xáo trộn quá trình học tập của các em. Trong bối cảnh dịch bệnh, trường học phải luôn cảnh giác nhưng không tạo tâm lý căng thẳng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Những học sinh chưa đến trường học trực tiếp vẫn được duy trì học qua internet, tạo mọi điều kiện đảm bảo hiệu quả học tập”. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thăm hỏi giáo viên, học sinh Trường Mầm non Bé ngoan, quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), tuần lễ từ ngày 14-2, thành phố tổ chức đón trẻ từ 3-6 tuổi. Sau một tuần thực hiện, các trường tổ chức ăn sáng cho học sinh theo tinh thần tự nguyện đăng ký của phụ huynh. Việc tổ chức cho trẻ ăn tại trường thực hiện theo từng nhóm nhỏ và theo độ tuổi chứ không ăn đồng loạt như trước đây. Nếu tình hình học sinh đi học ổn định, từ đầu tháng 3-2022, thành phố sẽ mở rộng đối tượng trẻ nhỏ hơn (từ 18-24 tháng tuổi) đến trường.
Sáng 14-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến kiểm tra công tác mở cửa đón sinh viên trở lại học tập trung của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc trở lại trường để học trực tiếp là cần thiết, vì thế, các em sinh viên cần khắc phục khó khăn để có kết quả cao trong học tập. Cùng với đó, đề cao ý thức vừa học, vừa phòng chống tốt dịch bệnh. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các trường ĐH tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; quyết tâm cao hơn nữa trong việc đón sinh viên trở lại trường học tập trung. Song song với công tác đào tạo, các trường cần làm tốt công tác truyền thông nội bộ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh; tiếp tục hoàn thiện phương án, kịch bản ứng phó nếu có F0; sẵn sàng thích ứng và tổ chức các hoạt động đào tạo hợp lý.
|