Nợ toàn cầu vượt 100.000 tỷ USD

Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổng nợ toàn cầu đã tăng hơn 40% từ thời tiền khủng hoảng, do các Chính phủ vay nợ để kích thích kinh tế và các công ty tận dụng lãi suất thấp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổng nợ toàn cầu đã tăng hơn 40% từ thời tiền khủng hoảng, do các Chính phủ vay nợ để kích thích kinh tế và các công ty tận dụng lãi suất thấp.

Theo đó, trong thời kỳ 2007-2013, tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm 30.000 tỷ USD, lên trên 100.000 tỷ USD. Mức tăng này gần gấp đôi GDP Mỹ năm ngoái. Trái lại, giá trị cổ phiếu thế giới giảm 3.860 tỷ USD xuống gần 54.000 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg.

Khối nợ phình to khi các ngân hàng trung ương hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính 2008. Lãi suất các loại trái phiếu, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, đều đạt trung bình 2% thời kỳ này, giảm so với 4,8%  năm 2007, theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch.

BIS nhận xét kể từ sau khủng hoảng tài chính, phương thức vay tiền đã chuyển qua phát hành nợ, thay vì vay ngân hàng. "Nhìn vào sức tăng chi tiêu công những năm gần đây, Chính phủ và chính quyền địa phương là những người phát hành nợ lớn nhất", Branimir Gruic - chuyên gia kinh tế tại BIS cho biết.

Nợ trong nước của các Chính phủ hiện tương đương 43.000 tỷ USD, cao hơn 80% so với năm 2007. BIS cho biết từ sau khủng hoảng, các Chính phủ đã dần rút khỏi giao dịch xuyên biên giới, khiến họ ngày càng lệ thuộc vào thị trường nội địa.

Dù vậy, lo ngại khối nợ lớn có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với nền kinh tế, nhiều quốc gia gần đây đã tìm cách thắt thặt chi tiêu và tăng thuế, nhằm giúp sức khỏe tài chính quay về tình trạng tiền khủng hoảng. 

Nếu trừ các khoản trả lãi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết thâm hụt ngân sách cơ bản của các nước trong nhóm G7 đạt trung bình 5,1% năm 2010. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 1,2% năm nay, IMF dự đoán.

Các tin khác