Khác với ngân hàng (NH), việc nhận diện nợ xấu của các CTCK cho đến thời điểm này vẫn chưa thật sự rõ ràng. Tìm ra nguyên nhân, thực trạng cũng như phương hướng xử lý nợ xấu vẫn có nhiều điểm bế tắc.
![]() |
Hiện nay, một số CTCK đã thành lập bộ phận thu hồi nợ, nhưng hiệu quả của bộ phận này xem chừng vô cùng hạn chế. Lý giải cho sự hạn chế này thường là 2 nguyên nhân: NĐT đã thua lỗ quá nặng, giờ cũng không còn tiền và những ràng buộc pháp lý vô cùng lỏng lẻo từ các hợp đồng vay giữa khách hàng và CTCK.
Nhưng cũng có thể xuất hiện thêm một nguyên nhân nữa, đó là tính xác thực của bên vay. Liệu những người mang danh “con nợ” có thực sự nợ? Những “con nợ” thực sự là ai?
Cách đây vài tháng, khi những lùm xùm liên quan đến tiền bạc giữa CTCK Trường Sơn và một số NĐT xuất hiện trên mặt báo, nhiều người đã không khỏi giật mình.
Theo phản ánh của một NĐT có liên quan, hợp đồng hợp tác đầu tư có dấu hiệu giả mạo giấy tờ. Bên cạnh đó là việc NĐT không giao dịch nhưng tài khoản bị lỗ. Thực hư của vụ việc như thế nào sẽ phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan quản lý TTCK cũng như cơ quan điều tra.
Nhưng một câu hỏi cần được đặt ra ở đây: Nếu “chính chủ” không “đụng” đến tài khoản của mình, bao gồm giao dịch, hoặc ký kết hợp đồng vay, thì liệu tài khoản có thể bị các đối tượng khác “phù phép” hay không?
Có lẽ bất kỳ CTCK nào cũng sẽ trả lời không với câu hỏi này, bên cạnh những quảng cáo về tính minh bạch, hệ thống của mình. Nhưng nếu tìm hiểu quy trình nghiệp vụ, CTCK “tự ý” giao dịch trên tài khoản của khách hàng đã từng xảy ra.
Đã từng có câu chuyện không rõ thực hư tại một sàn cũng khá có tiếng, một bên các NĐT đặt lệnh miệng, bên còn lại nhân viên môi giới nhập lệnh kèm theo… giả chữ ký trên phiếu lệnh.
Còn vấn đề sử dụng tài khoản cũng như tên tuổi của khách hàng để vay vốn liệu có thể “phù phép” được hay không? Một người có thâm niên làm việc trong ngành chứng khoán kể lại, một người bạn của anh đã không giao dịch trên tài khoản của một CTCK từ khá lâu, “bỗng dưng” một hôm nhận được điện thoại yêu cầu xác nhận xem có vay và trả số tiền 1 tỷ đồng trên để “đánh” chứng khoán.
Do không vay, nên người này dễ dàng tìm ra các bằng chứng để khẳng định mình vô can. Câu chuyện này cũng chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp và cần nhiều dữ liệu hơn nữa để xác thực, nhưng cũng có thể khiến nhiều NĐT bỏ trống tài khoản của mình tại các CTCK phải “toát mồ hôi”.
Từ năm 2009-2011 có thể xem là giai đoạn “mặn nồng” giữa CTCK và NH trong việc hợp tác để triển khai sản phẩm hỗ trợ tín dụng khách hàng (trước khi margin được luật hóa).
Ở đây không bàn đến khía cạnh lỏng lẻo của các hợp đồng, mà chỉ xem xét về quy trình hợp tác, triển khai, giám sát giữa CTCK và NH như thế nào, kẽ hở ở đâu. Có thể tóm tắt quy trình như sau: Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn, chẳng hạn vay cầm cố, CTCK sẽ xác nhận tài sản, chính là số dư CP, gửi lên cho NH, nếu chấp thuận sẽ giải ngân cho vay.
Lúc này, CTCK sẽ tiến hành phong tỏa tài sản của khách hàng, đây là thỏa thuận hợp tác không thể thiếu giữa NH và CTCK. Như vậy, quy trình này không hề thiếu những yếu tố chặt chẽ, tuy nhiên cũng đi kèm theo những kẽ hở chết người.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ NH tìm hiểu về tính xác thực của tài sản người vay. Như đã nói ở trên, việc xác nhận tài sản thuộc về CTCK nên sẽ vô cùng rủi ro nếu CTCK “dối trá”.
Thực ra, ngay cả khi NH xuống yêu cầu CTCK mở tài khoản của người vay để xem, thì việc phù phép tài khoản cũng có thể thực hiện được. Như vậy, khả năng gán cho một NĐT nào đó số lượng CP nhất định, sau đó “bịa” ra hồ sơ vay vốn không phải là không có.
Ở đây, cũng cần phải thẳng thắn đặt vấn đề, trong quá trình xét duyệt các hồ sơ của NH, liệu có thiếu sót hay một sự dễ dãi nào đó hay chăng? Nếu cả CTCK và bộ phận thẩm định cho vay NH đều “thiếu sót” một cách có chủ ý thì rủi ro cộng hưởng sẽ vô cùng lớn.
Cho đến thời điểm này, việc CTCK “hô biến” các khoản nợ cho khách hàng của mình và bắt khách hàng phải chịu vẫn chưa xảy ra, vì một quy trình nếu gian dối hoàn toàn sẽ có nhiều kẽ hở.
Và giả sử có xảy ra chăng nữa, CTCK còn lâu mới dám đi đòi nợ, vì nếu đòi nợ chẳng khác nào tự tố cáo mình đã có những hành vi sai trái, và từ đó những “đạo diễn” còn dễ bị truy ra hơn nữa.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít các NĐT tỏ ra vô cùng lo lắng vì vô tình bị gán thành một con nợ bất đắc dĩ, cho dù không phải trả nợ hay ràng buộc gì.