Nhà tôi thân với nhà bác Kế nhất, thương bố mẹ tôi “nhà văn, nhà báo là nhà… nghèo”, nên thỉnh thoảng những dịp lễ tết, bác hay cho cái “giấy ưu tiên” mua thêm cân thịt. Sau này lớn lên tôi mới biết cái “giấy ưu tiên” ấy có vị thế lắm, thời bao cấp mà. 8 hộ gia đình, những công việc khác nhau, nhưng thân thiết, tắt lửa tối đèn có nhau.
Ngày ấy, các gia đình chuẩn bị Tết cũng đơn giản, có bánh pháo, rượu, mứt, kẹo, bánh đa nem, bóng, miến… là thấy không khí Xuân tràn về. Riêng bọn trẻ chúng tôi trông chờ nhất là đến ngày nấu bánh chưng. Năm nào cũng vậy, các hộ “hợp tác” với nhau thành từng nhóm gói bánh. Ngoài gạo thịt, các gia đình tự lo, những việc còn lại theo phương châm “phát huy sở trường”, ai có khả năng về lĩnh vực nào đóng góp vào công việc chung. Bác Thái bên lâm nghiệp được phân công chuẩn bị củi.
Bác Học đường sắt giáp Tết thường đi vùng cao, đảm nhận việc mua lá dong và ống giang chẻ lạt. Bác Cừ nhà in khéo tay nhất, cùng bố tôi ngày trước học được cách làm bánh chưng từ ông nội, đảm nhiệm việc gói bánh. Các bà mẹ người nhận rửa lá, người chuẩn bị gạo, đậu, thịt và những thứ cần thiết. Nồi luộc bánh là cái thùng phuy to, mỗi lần đủ cho 4 hộ.
Nguyên liệu cho nồi bánh, mẹ tôi chuẩn bị kỹ lắm. Gạo nếp cái hoa vàng lấy từ quê nội, vo sạch, ngâm kỹ. Đậu xanh ruột vàng hạt mẩy, xay vỡ đôi, ngâm đãi sạch vỏ. Thịt lợn ba chỉ chọn miếng nhiều mỡ thái dày, ướp muối và hạt tiêu. Lá dong bản to, rửa sạch. Lạt giang pha đều, tước mỏng. Nếp, đậu, thịt, lá dong, lạt buộc sẵn sàng. Lá đặt chéo chữ thập, rải nếp, đậu xanh, nhân thịt ở giữa, lại đậu, một lớp gạo nữa rồi gói lại.
Chiếc bánh phải vuông vức, chắc tay, khi bóc ăn, nhân đúng giữa là người gói khéo. Những chiếc bánh đều tăm tắp, buộc từng cặp, kết nơ, xếp chồng theo hàng, trông rất thích mắt. Và điều lũ nhỏ chúng tôi thích nhất là lúc kết thúc, nhà nào đều gói 2-3 cặp bánh tí hon xinh xắn dành cho trẻ nhỏ.
Nhóm nhà tôi chọn chiếu nghỉ giữa tầng làm nơi nấu bánh. 2 thùng phuy to đùng được đặt song song, luộc một lượt. Luộc bánh cũng công phu. Khi xếp bánh, đáy nồi phải lót lớp sống và lá cho bánh khỏi khê. Nước sôi, bớt củi nhưng vẫn phải giữ lửa đều. Củi gộc và trấu giữ cho bếp cháy bền.
Thời gian luộc phải hơn 10 tiếng bánh mới rền. Đêm luộc bánh vui nhất, cả tầng cùng nhau tụ tập, trò chuyện, nhâm nhi ly rượu thức trắng mà vẫn vui. Trẻ con xúm xít vùi ngô, nướng khoai, sắn chờ bánh chín. Đến khuya mệt quá lăn ra ngủ trong tiếng gió mùa Đông-Bắc thổi ù ù qua lỗ thoáng ngay trên nồi bánh chưng sôi. Phải đến sáng việc luộc mới hoàn thành.
Niềm vui nhất của lũ trẻ chúng tôi có lẽ là vớt bánh nhỏ ra ăn trước. Những chiếc bánh tí hon nên chín nhanh hơn. Khi từng cặp bánh nhỏ xinh được vớt ra rổ, cũng là lúc niềm đợi chờ, háo hức vỡ òa. Chúng tôi tỉnh táo hẳn, mặc cho khói bếp làm mắt cay cay, mặc cho đêm muộn gió lùa.
Chúng tôi rộn ràng chuẩn bị bữa tiệc vui. Bên nồi bánh vẫn tiếp tục sôi, chiếu cói được trải ra ngay trên sàn, bát đũa xếp gọn gàng, ngay ngắn. Có nhà còn mang thêm giò lụa, thịt đông, hành muối cùng một vài món ăn khác góp thêm khiến không khí càng thêm náo nức.
Nhà bác Cừ có một bộ bát nhỏ, bác khéo léo vót cây tre thành những đôi đũa nhỏ đồng bộ cho lũ nhỏ, chỉ đem ra trong những cuộc vui thế này. Người lớn nhìn lũ trẻ nâng niu, hít hà những cái bánh nhỏ xíu, chừng như cũng vui lây, chuyện trò rôm rả.
Chờ bánh bớt nóng, chúng tôi bóc lớp lá xanh, tước lạt nhỏ cắt làm tư, bày trong những chiếc đĩa nhỏ. Bánh chín màu xanh nhạt, trông rất hấp dẫn. Lũ nhóc chúng tôi ăn bánh nhiệt tình. Chị tôi lớn hơn, cũng được xếp vào đối tượng tham gia, nhưng ăn nhỏ nhẻ như muốn tỏ ra dịu dàng thùy mị. Chỉ một loáng mấy bánh chưng nhỏ đã hết bay. Một vài đứa chép chép miệng, xem chừng còn muốn ăn thêm, nhưng tiêu chuẩn chỉ có thế, còn phải để dành những ngày sau.
Tàn cuộc, ấm bụng, chúng tôi tản về nhà ngủ để lại người lớn tí tách ngồi canh bếp lửa hồng. Nghe vọng từ đâu, tiếng pháo tép nổ giòn, gợi không khí Tết (thời ấy chưa cấm đốt pháo, thậm chí trong các món hàng phân phối dịp Tết, mỗi nhà được mua một bánh pháo). Sau này khi đã trưởng thành, đôi ba lần trong mơ tôi gặp lại niềm háo hức thuở ấu thơ, chờ được ăn bánh tí hon những đêm luộc bánh chưng ngày Tết trong khu tập thể.
Những kỷ niệm như thế theo tôi đi cùng thời gian. Bây giờ, guồng quay kinh tế hối hả, cách chuẩn bị Tết cũng khác đi. Các gia đình gần như không gói bánh, ngồi canh lửa nữa. Tất cả đã có siêu thị phục vụ. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố không có cơ hội và niềm vui háo hức chờ đợi những chiếc bánh tí hon được gói vào dịp tết.
Sau hơn 30 năm lưu giữ ký ức Tết xưa, tôi và mấy gia đình gần nhà quay lại với nồi bếp lửa bánh chưng. Bây giờ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đã dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi thấy không khí hồ hởi chuẩn bị nồi bánh ngày Xuân vẫn vẹn nguyên trong ánh mắt của người lớn và trẻ nhỏ.
Chắc chắn, hình ảnh bánh chưng bên bếp lửa hồng mãi trường tồn, không chỉ là nét văn hóa làm nên hồn dân tộc trong mỗi gia đình, mà còn là sợi dây kết nối xóm giềng, cộng đồng, thêm thân tình, bền chặt.