Nỗi lo 4.0

(ĐTTCO)-Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ KH-CN và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

(ĐTTCO)-Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ KH-CN và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

 

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ KH-CN, Bộ TT-TT, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0 để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ trưởng phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng!”.

Giữa tháng 2 vừa qua, khi trò chuyện với sinh viên Đại học FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ, hiện nay đâu đâu người ta cũng nói tới cuộc CMCN 4.0 và gắn liền với nó là khởi nghiệp. Nhưng chúng ta hãy tự tìm hiểu CMCN 4.0 là gì, đừng để cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cũng giống như cụm từ “Công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, tức là chỉ nghe mà không biết là gì!

Đây cũng chính là nỗi lo lớn nhất hiện nay. Sợ rằng, cũng như nhiều khái niệm, phong trào khác, CMCN 4.0 được tung hô khắp nơi, được một thời gian lại lặng lẽ, “chìm xuồng”…

Một thực tế là cả thế giới thừa nhận cuộc CMCN 4.0 đã diễn ra trong khoảng 10 năm qua và định hình trong 4 năm trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa, nếu Việt Nam không theo kịp sẽ bị tụt lại phía sau. Cuộc CMCN 4.0 với với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, công nghệ sinh học,... trong đó trung tâm là CNTT với khả năng số hóa mạnh mẽ, toàn diện và Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT).

Tại Việt Nam, những khái niệm này không còn xa lạ, nhưng làm và được áp dụng đến đâu thì đó là câu chuyện khác. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến nay Việt Nam còn chưa tận dụng hết thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (cách mạng về điện tử và CNTT vào những năm 70 của thế kỷ 20). Đây là điều những người làm trong ngành CNTT đều thấy day dứt. Chúng ta đã có những đề án đầy tham vọng trở thành nước mạnh về CNTT trong khi Chính phủ điện tử của Việt Nam mới dừng ở vị trí 80-90 trên thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu vào khoảng 943 tỷ USD, trong đó Việt Nam mới chỉ khoảng 3 tỷ USD.

“Vậy thì trước khi nghĩ rằng chúng ta có thể phát triển CMCN 4.0, chúng ta phải tận dụng ngay phần còn lại của cuộc cách mạng lần thứ ba” - Phó Thủ tướng nhận định.

Cuộc CMCN 4.0 được xác định sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp này đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và bứt phá, khi mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Việt Nam đang có sự khởi đầu thuận lợi trong cuộc CMCN 4.0 này.

Thế nhưng, để đón bắt và phát triển thành công, rất cần những chính sách, biện pháp cụ thể, chứ không phải chỉ “hô hào” là thành công. Trước hết, đây là thời cơ để Việt Nam xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng KH-CN trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, CNTT, tự động hóa và trí tuệ nhận tạo, công nghệ sinh học… và xa hơn là cả những vấn đề sẽ nảy sinh trong lĩnh vực quản trị, quản lý và khoa học pháp lý.

Việt Nam cần có chiến lược để xây dựng bằng được các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực này. Đồng thời, sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bài toán giáo dục cũng cần phải được giải sớm. Cần phải thay đổi toàn diện GD-ĐT để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và thực sự am hiểu, dấn thân trong cuộc CMCN 4.0. Nếu không sớm làm được những việc đó, e rằng cuộc CMCN 4.0 sẽ khó hiện hữu, thành công. Cơn bão CMCN 4.0 và IoT đang ngày ngày mạnh mẽ trên toàn cầu, nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ, theo kịp sẽ bị cuốn đi, thổi văng ra xa trong một cách hoàn toàn bị động và dễ thất bại!

Các tin khác