Ngay sau khi nước lũ rút, hàng trăm người dân xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã cùng nhau dọn vệ sinh môi trường thôn xóm. Mọi người chia nhau dọn rác, vớt xác gia súc, gia cầm chết, khơi thông cống rãnh…
Ông Tần Văn Toàn ở thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm cho biết, sau khi lũ rút tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất đáng lo ngại: "Thôn vận động bà con nhân dân dọn dẹp vệ sinh cả ở trong nhà và bên ngoài, đồng thời tập trung chôn lấp những xác động vật đã chết. Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện đang có nguy cơ lây dịch bệnh cho người già và trẻ em”.
Ngành y tế tỉnh Quảng Trị chỉ đạo trung tâm y tế các địa phương tập trung vệ sinh khử khuẩn, phun hóa chất sát trùng phòng dịch bệnh. Sau mưa lũ, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị thành lập các đoàn công tác giám sát vệ sinh môi trường và phòng chống dịch tại các địa bàn bị ngập lụt sâu...
Ông Lê Phước Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các trạm y tế, khoa y học dự phòng, phát hiện các bệnh nấm kẽ chân, tiêu chảy, mắt đỏ… Chúng tôi cũng đã cung ứng đầy đủ các loại thuốc để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn của huyện”.
Sau lũ, rác thải ngập ngụa ở khắp nơi; nước lũ ứ đọng từ nhà ra kênh mương, ao hồ, giếng nước gây ô nhiễm trầm trọng. Những ngày qua, cùng với sự giúp sức của các lực lượng quân đội, công an, dân quân, người dân vùng lũ cùng nhau dọn rác dưới kênh; khơi thông dòng chảy không để nước ứ đọng trong các đồ vật…
Tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, hàng nghìn giếng nước sinh hoạt của người dân bị bùn non bồi lấp, nước đục ngầu không thể sử dụng. Nhiều ngày qua, người dân phải sử dụng nguồn nước từ các xe cấp nước sạch lưu động.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, cùng với việc khôi phục hoạt động nhà máy của Trung tâm nước sạch, những ngày qua, nhiều tổ chức cá nhân cũng đã hỗ trợ đưa thiết bị lọc nước về tận xã thôn cung cấp cho người dân.
"Chúng tôi đã nhờ tỉnh hỗ trợ và nhờ các đoàn thiện nguyện về hỗ trợ nguồn nước ở những vùng sâu, vùng xa, theo phương án lắp tại chỗ và cung cấp tại chỗ. Tuy nhiên, nguồn nước sạch trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa vệ sinh môi trường. Chúng tôi tập trung chỉ đạo đảm bảo cung cấp nguồn nước kịp thời và đảm bảo an toàn cho bà con”, ông Tình nói.
Tại tỉnh Quảng Bình, lượng lớn bùn đất, cây cối, rác thải, xác gia súc, gia cầm ứ đọng trên diện rộng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, lan truyền dịch bệnh sau lũ. Để hạn chế phát sinh dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương khẩn trương dọn vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Một trong những nỗi lo của người dân vùng lũ hiện nay đó là nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết sau lũ. Tại tỉnh Quảng Bình, số ca sốt xuất huyết đang gia tăng. Cùng với việc hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng các loại dịch bệnh sau lũ, ngành y tế tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết: "Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, chúng tôi tăng cường công tác tập huấn để điều trị, phòng chống dịch sốt xuất huyết, nắm được phác đồ điều trị bệnh”.
Ngày 29/10, Bộ Y tế đã thành lập 7 Tổ công tác hỗ trợ các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Bình Định xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sau mưa lũ. Các Tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá nguy cơ, tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của y tế địa phương; kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; phòng chống những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ; hỗ trợ, tư vấn dinh dưỡng cho người dân.