Sự xuất hiện nhóm giang hồ áo cam trực tiếp cảnh báo điều gì cho cuộc sống hôm nay?
Chỉ 2 ngày sau khi xảy ra màn phô diễn táo tợn của nhóm giang hồ áo cam, Công an TPHCM đã cung cấp thông tin điều tra ban đầu. Cụ thể, vào lúc 20 giờ 30 ngày 5-6, tại quán Ốc Hương (số 86-88 đường số 6, khu phố 8, phường An Lạc, quận Bình Tân) do anh Nguyễn Văn Quý làm chủ, có khoảng 200 thanh niên đi trên xe máy (phần đông khoác áo bib màu cam, trên tay cầm dao tự chế, chạc ba ngạnh) đến bủa vây và chửi bới.
Một số đối tượng sau đó đã xông vào trong quán đập phá bàn ghế, tủ kính và dùng vỏ chai bia đánh vào đầu anh L.T.L (30 tuổi, là khách hàng của Ốc Hương). Sự cố diễn ra rất nhanh nên không ai kịp phản ứng gì, thì nhóm giang hồ áo cam đã ồ ạt phóng xe đi. Nhận được tin báo, Giám đốc Công an TPHCM đã phân công Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TPHCM triệu tập các đơn vị có liên quan để tập trung điều tra, truy bắt nhóm đối tượng liên quan, xử lý kiên quyết hành vi phạm tội. Đối tượng cầm đầu được xác định là Tuấn B. (SN 1985, ngụ quận 6)…
Đúng như nhận định của cơ quan chức năng, những đối tượng quá khích kia đã mặc đồng phục áo cam nhằm phân biệt "phe địch, phe ta" khi hỗn chiến. Thế nhưng, đó là dấu hiệu của một loại tội phạm có tổ chức đang manh nha. Không phải đối tượng nào cũng có sẵn áo cam để mặc, mà phải có tính toán để mua sắm đồng phục. Riêng kinh phí cho 200 cái áo cam ấy, đã là nguồn cơn của nỗi sợ hãi. Ai đã tài trợ cho họ, hay phía trên họ còn có thế lực xã hội đen khủng khiếp hơn?
Ở một đô thị đông đúc, thì các cuộc ẩu đả mang tính côn đồ rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hành vi của nhóm giang hồ áo cam khiến người dân hoang mang. Bởi lẽ, mục đích nhóm giang hồ áo cam rầm rộ trang bị hung khí để kéo đến quán Ốc Hương nhằm giải quyết mâu thuẫn với băng phái khác. Do không gặp được những kẻ cần giao tranh, nhóm giang hồ áo cam bèn quay sang đập phá và tấn công người vô can.
Một kiểu chứng tỏ sức mạnh “giận cá chém thớt”, xem thường pháp luật và xem thường cộng đồng, không thể dung thứ bằng bất cứ lý do gì. Và Công an TPHCM đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản công dân”, tạm giữ hình sự 30 đối tượng, đồng thời kêu gọi những đối tượng liên quan nhanh chóng đầu thú.
Một diễn biến tương tự không thể không lưu ý, trên mạng đang lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm xe máy gầm gú trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ vào đêm 5-6. Đối tượng tham gia vào đợt diễu hành thị uy bặm trợn ấy, cũng mặc đồng phục màu cam và có hung khí. Như vậy, nhóm giang hồ áo cam không chỉ hoạt động tại quận Bình Tân, mà còn gây ảnh hưởng nhiều nơi khác trên địa bàn TPHCM.
Vì sao cơ quan điều tra kêu gọi gia đình các đối tượng trong nhóm giang hồ áo cam phải vận động con em ra trình diện? Vì phần lớn đối tượng không thuộc loại có tiền án tiền sự và cũng chưa từng có hồ sơ gây rối trật tự công cộng. Trước khi tham gia vào nhóm giang hồ áo cam, có lẽ họ đều là những thanh thiếu niên bình thường trong mỗi mái nhà, trong từng khu phố. Và trước mắt có thể thấy nhóm giang hồ áo cam là một đám trai trẻ vừa đáng giận vừa đáng thương. Xưa nay, chó sủa là chó không cắn người. Ngược lại, những đối tượng càng tinh ranh nhũn nhặn thì càng gieo rắc kinh hoàng cho môi trường xung quanh.
Nhóm giang hồ áo cam đều đang ở độ tuổi thanh thiếu niên - độ tuổi rất thích chứng tỏ và dễ bị kích động, cũng là một điều đáng băn khoăn. Số lượng không nhỏ trong nhóm giang hồ áo cam là những cậu trai vừa rời trường trung học chưa bao lâu, thì càng đáng âu lo cho lứa áo trắng hôm nay. Muốn ngăn chặn sự lệch lạc của họ, phải nhìn vào cái gốc là giáo dục.
Những nghiên cứu tâm lý đã cho thấy, năng lượng dồi dào của độ tuổi thanh thiếu niên nếu không được dẫn dắt vào những hoạt động lành mạnh, sẽ ngả theo xu hướng bè cánh xưng hùng xưng bá. Vậy mà, nhìn vào chương trình dạy và học bây giờ, sau nhiều đợt hào hứng cải tiến và giảm tải, thì những giờ ngoại khóa càng ít ỏi dần.
Thậm chí, hầu hết những trường trung học đều không xây dựng các mô hình câu lạc bộ ngoại khóa nhằm phát triển văn - thể - mỹ cho học sinh. Gánh chịu áp lực điểm số từ giáo viên và gánh chịu sự ganh đua từ phụ huynh, bao nhiêu học sinh sẽ rơi vào trạng thái chông chênh và tổn thương? Và con đường từ thiên thần áo trắng đến giang hồ áo cam, rất gần!
Để tập hợp 200 thanh thiếu niên vào một nhóm giang hồ áo cam, có phải chuyện dễ dàng không? Chắc chắn không. Thế nhưng, đặc tính ham vui và ưa tụ tập và khoái khoa trương đã gắn kết họ lại thành một đám quân ô hợp nghênh ngang ra phố thể hiện tính khí ương ngạnh. 200 thanh thiếu niên, nếu không đổ vào nhóm giang hồ áo cam thì chắc chắn là một nguồn lực lao động đáng giá.
Bởi họ có sẵn sức khỏe, có sẵn sự tự tin và có sẵn cả khát vọng. Tiếc thay, ranh giới giữa cái xấu và cái tốt luôn cực kỳ mong manh. Lao theo cái xấu bao giờ cũng đơn giản hơn vun đắp cái tốt. Trong đời sống đang ganh đua tiền tài và cuống cuồng danh lợi, giới trẻ rất dễ chao đảo và lạc lối. Thậm chí, chỉ cần vài lời xúi bậy có vẻ ngon ngọt thì họ cũng sẵn sàng hành xử bạo lực theo bản năng. Nguy hiểm hơn, họ cho phép họ được đóng vai những phán quan thực thi công lý để giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.
Đừng nhìn nhóm giang hồ áo cam như ung nhọt của xã hội mà hãy nhìn họ như hệ lụy của xã hội. Có phải đang khan hiếm những sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên không? Có phải đang khan hiếm những chương trình hướng nghiệp đúng đắn và lan tỏa năng lượng cho thanh thiếu niên không? Sự xuất hiện của nhóm giang hồ áo cam khiến những ai đang thao thức với tương lai phải bận tâm suy ngẫm.