Nỗi lo vấn nạn “bôi trơn”

(ĐTTCO) - Bản báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 được công bố tuần qua đưa đến nhiều điều đáng suy nghĩ xung quanh chi phí không chính thức.
Nỗi lo vấn nạn “bôi trơn”
Theo PCI 2017, chi phí không chính thức giảm so với vài năm gần đây. Năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp cùng ngành có chi trả chi phí không chính thức 64,6%, năm 2015 và 2016 là 66%, nhưng đến năm 2017 giảm còn 59,3%.
Kết quả này có được từ việc quyết liệt trong chống tham nhũng khi các vụ án tham nhũng lớn được điều tra, xét xử, được nhìn nhận là một phần trong chương trình cải cách hành chính tổng thể, trong đó tăng cường minh bạch thông tin và cải cách dịch vụ công, nâng cao tính chịu trách nhiệm của các cán bộ công quyền.
Sau nhiều năm liên tục tăng, năm 2017 ghi nhận có sự giảm đáng kể ở 3 chỉ tiêu: tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức; tỷ lệ phần trăm trong tổng thu nhập doanh nghiệp phải bỏ ra hàng năm để chi các khoản không chính thức; chi trả hoa hồng (chi phí không chính thức) để đảm bảo trúng thầu. 
Tuy nhiên, những số liệu trên cũng mang đến nhiều quan ngại. Đó là, dù tích cực trong vài năm gần đây, song so với giai đoạn năm 2010-2013 tỷ lệ này vẫn còn cao hơn nhiều, tương ứng các năm là 58,2%, 51,4%, 53,2% và 50,4%. Bên cạnh là nhận thức về việc trả chi phí không chính thức đang được coi như “luật bất thành văn”.
Ngay từ PCI 2016, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng việc chi trả chi phí không chính thức hay tặng quà là phổ biến đến mức 2 bên không cần phải trao đổi với nhau. Hay với các cuộc thanh, kiểm tra, 36,9% số doanh nghiệp cho rằng chi phí không chính thức là “luật bất thành văn”, 28,9% doanh nghiệp tự nguyện và chỉ 4,3% do cán bộ đòi hỏi. Thực tế này cho thấy chi phí không chính thức hay tặng quà đã ăn sâu vào hành vi hàng ngày và đã trở thành một quy tắc ứng xử.
Điều đáng lo ngại hơn, trong khi tình trạng “bôi trơn”, “lót tay” dường như đã khá phổ biến, là tâm lý chịu đựng, dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền của nhiều doanh nghiệp.
Có thể thấy khi xu hướng coi việc gia tăng mức chi phí không chính thức để “bôi trơn” được mặc định như việc đương nhiên trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như để giải quyết các quan hệ xã hội đã cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đậm đặc và tiêu cực.
Bởi chúng không chỉ làm cản trở cạnh tranh lành mạnh, tăng chi phí sản xuất và giảm bớt lợi nhuận của doanh nghiệp, mà còn tạo kẽ hở cho thất thu ngân sách nhà nước vì áp thuế sai hoặc bỏ qua những sai phạm của DN, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây hại cho Nhà nước, thị trường và xã hội. Hơn nữa, sự tiếp tay cho các hành vi tiêu cực và vi phạm pháp luật khác, cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư công và đầu tư xã hội.
Tuy nhiên, một điểm phát hiện đáng lưu ý trong vấn đề chi phí không chính thức là những nhà quản lý giỏi và thành công nhất của Việt Nam thường chi ít tiền hơn cho những hoạt động trên. Nghiên cứu cũng chỉ ra điểm cải thiện về chất lượng quản lý đi kèm với giảm 3% xác xuất có chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký doanh nghiệp, giảm 5,5% xác xuất có tặng quà trong quá trình thanh, kiểm tra và giảm 1% xác xuất có chi trả khi tiếp cận đất đai hoặc giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Những phát hiện này chỉ ra rằng nhà quản lý doanh nghiệp dân doanh trong nước, chất lượng của người quản lý càng cao càng ít coi chi trả chi phí không chính thức là một quy tắc ứng xử.
Những phát hiện ở trên đã lý giải những nhà quản lý giỏi có xu hướng ít dính dáng tới chi trả phí “bôi trơn”, và thường cảm nhận tích cực hơn về môi trường kinh doanh so với các nhà quản lý kém. Điều đó cũng giải thích tại sao những cải cách của các tỉnh - vốn có thể xác minh trên thực tế - lại thường không được doanh nghiệp đánh giá cao. Những nhà quản lý giỏi luôn chủ động tìm kiếm thông tin về các thay đổi chính sách và tận dụng những thay đổi đó.
Các nhà quản lý kém, ngược lại, thường không nhận thấy và đôi khi đổ lỗi cho chính quyền về các khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình. Vì thế, đây là lúc cần tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các lãnh đạo doanh nghiệp, giúp họ có nhiều cơ hội đến gần với thành công hơn mà không phải dựa vào “bôi trơn”. 

Các tin khác