Giữ gìn nét đẹp văn hóa
Diễn ra trong 3 giờ, nhưng chương trình Nói về Tết miền Nam đã mang đến cho những người có mặt một trải nghiệm mới mẻ, đồng thời có những suy ngẫm về văn hóa dân tộc. Tại chương trình, khách tham dự đều không giấu được cảm giác lạ lẫm lẫn thú vị trước khay mứt, hạt dưa, dĩa trầu được têm khéo léo. Tất cả được bày biện trên phản gỗ lớn để quan khách vừa nhâm nhi vừa tỉ tê trò chuyện. Hai bàn thờ ngoại nghi và nội nghi được phục dựng giống như những bàn thờ gia tiên trước kia ở miền Nam. Trên đó, tất cả dĩa, lư hương, chân đèn, bình bông… đều là đồ cổ.
Lương Hoài Trọng Tính, người sáng lập Đại Nam Hội Quán, vốn là người lo xa, hơn nữa mỗi thành viên đều có công việc riêng nên mỗi khi làm một chương trình nào đó, Tính thường chuẩn bị từ 5 đến 6 tháng rồi phân công nhau thực hiện. Với chương trình Nói về Tết miền Nam, không chỉ các nghi lễ mà tất cả vật dụng, nhóm muốn phải đúng là những vật dụng sử dụng trong ngày tết xưa. Cũng may, nhóm không gặp trở ngại nào khi đi mượn từ những nhà sưu tầm.
“Đa số họ là người quen, có tâm huyết gìn giữ và quảng bá văn hóa, mong muốn mọi người ngày nay thấy được những cái đẹp ngày xưa của ông bà để lại. Vậy nên khi tôi ngỏ lời, họ hoan nghênh và ủng hộ rất nhiệt tình”, Tính kể.
Để có những món đồ cổ quý hiếm như mọi người được chứng kiến trong chương trình, Tính phải chạy xuống Tân Kim (Long An) mượn từ một nhà sưu tầm đồ cổ. “Chúng tôi cũng lo vì những đồ mình mượn thường dễ vỡ, dễ hỏng mà đây là đồ cổ nữa, có bao tiền cũng không đền nổi. Thấy chúng tôi lo ngại, bên cho mượn đồ bảo: “Cứ bình thường đi, đừng quan trọng hóa vấn đề lên. Nếu e dè quá, công việc không trôi chảy, mà còn làm cho em cảm thấy nặng nề về tâm lý”. Nghe vậy chúng tôi mới thực sự an tâm”, Tính tâm sự.
Tất cả sự công phu trên chỉ với mục đích duy nhất là muốn đưa đến cho mọi người cái nhìn về sự chỉn chu, cũng chính là đặc sắc riêng của tết miền Nam trước đây. “Với điều kiện cuộc sống hiện đại, việc để mọi người quay lại với cái tết xưa là rất khó. Với chương trình này, chúng tôi muốn mang đến một hình dung về không khí tết, cách trang hoàng ngày tết của miền Nam trước đây như thế nào mà thôi”, đại diện Đại Nam Hội Quán cho biết.
Mong truyền cảm hứng đến mọi người
Điều đặc biệt tại chương trình Nói về Tết miền Nam, bên cạnh những người trẻ còn có nhiều nhà nghiên cứu và khách nước ngoài đến từ Pháp, Thái Lan. Không chỉ thích thú khi được hiện diện trong một không gian mang dấu ấn cổ kính mà họ còn chăm chú lắng nghe chia sẻ của những người mới chỉ mười tám đôi mươi, nói về văn hóa truyền thống.
Sau chương trình, Đại Nam Hội Quán nhận được khá nhiều lời động viên, khích lệ cũng như góp ý từ các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến văn hóa dân tộc. Tính kể, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Lợi dành lời động viên cho nhóm: “Lượng kiến thức mà các bạn cung cấp đều vừa phải và đúng nhưng mình cần giảm tải lại và chia sẻ sâu hơn”.
Theo Tính, chương trình diễn ra trong 3 giờ không thể nào diễn tả hết được cách đón tết của người miền Nam trước đây. Nếu diễn tả hết thì lượng kiến thức rất nhiều, mọi người sẽ khó có thể tiếp thu được. Vậy nên, điều mong muốn lớn nhất của Đại Nam Hội Quán là tạo cho những người trẻ bây giờ cảm nhận được không gian xưa, không gian mà ông bà đã từng sinh sống, cho họ nhìn thấy được nét đẹp cũng như trân trọng giá trị của người xưa, từ đó tạo cho họ một sự hứng thú lắng nghe và tìm hiểu.
Nói về Tết miền Nam không phải là chương trình đầu tiên của Đại Nam Hội Quán. Trước đó, nhóm đã có nhiều chương trình công phu như Lễ nghi đám cưới Nam bộ xưa, các chương trình trò chuyện: Đờn ca hồi đó; Nói tới cái áo dài; Kể chuyện ông Trăng… Tất cả với một mục đích khơi gợi và truyền cảm hứng, tình yêu với văn hóa dân tộc.
“Quá trình vận động của con người mỗi một quốc gia thay đổi dần dần theo thời gian, chúng ta không thể cưỡng lại được thời gian mà phải thích nghi với nó. Và cách mà chúng tôi thích nghi chính là ôn cố tri tân, tìm hiểu, học hỏi những giá trị tinh tế mà mình cảm thấy có thể gìn giữ và đưa ra quần chúng để mọi người biết thêm”, đại diện của nhóm chia sẻ.