Khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay một lần nữa chứng minh vai trò then chốt của ngành nông nghiệp, khi không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt tới 41 tỷ USD trong năm 2020, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản dẫn đầu châu Á. Ngành nông nghiệp góp phần quan trọng giúp tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%.
Ngôi nhà bề thế, rộng đến vài trăm mét vuông của gia đình anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam, chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả tại bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Anh Kiên cho biết, cuộc sống sung túc anh có được bắt nguồn từ những vườn nhãn, xoài, mận hậu VietGAP.
“Sản phẩm nhãn quả tươi được xuất khẩu sang Mỹ. Riêng năm 2019, 2020 gia đình thu nhập vượt trội. Mấy năm trước thu nhập chỉ khoảng 1,5 - 2 tỷ, nhưng 2 năm nay thu nhập đã cao hơn rất nhiều”, anh Kiên chia sẻ.
“UBND huyện tổ chức sản xuất và chứng nhận VietGap cho cây trồng. Tổ chức đánh giá mã vùng trồng cho cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Áp dụng hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt, phun sương.... qua đó tăng giá trị sản phẩm”, ông Châu cho biết.
Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Sơn La đã xuất khẩu được một số loại nông sản như: xuất khẩu xoài sang Mỹ và Australia, xuất khẩu thanh long sang thị trường Nga. Ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm để tiêu thụ nông sản “vượt qua đại dịch Covid-19: “Chúng tôi có giải pháp với từng chuyến hàng, tổ chức kết nối với thị trường trong nước, nước ngoài. Chúng tôi quan tâm đến từng doanh nghiệp, từng địa phương”.
Đất nước đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn phát huy vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho trong nước và xuất khẩu lương thực ra thế giới. Ngành nông nghiệp luôn chủ động thích nghi với tình hình thị trường và thời tiết, biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh.
“Chúng tôi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Nông dân có vai trò chủ thể và rất quan trọng. Do đó chúng ta phải có những giải pháp để mà xây dựng giai cấp nông dân vững về chính trị, tư tưởng, nắm chắc quy trình công nghệ xuất và phải có kiến thức thị trường ,có hiểu biết pháp luật. Riêng năm nay thì khó khăn về thời tiết dịch bệnh ảnh hưởng của Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất khẩu vẫn đạt 4,9%. Khẳng định rằng nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong trường hợp này," ông Hoan nói.
Theo ông Nguyễn Phùng Hoan, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời kỳ hội nhập, nghiên cứu quy hoạch lại địa phương mình trong bối cảnh mới, đồng thời liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo ổn định đầu ra.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và coi trọng trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước. Bởi lẽ, điểm xuất phát của Việt Nam đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp, nông dân là lực lượng đông đảo, chiếm đa số trong xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X (tháng 8/2008), Đảng đã ra Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước".
Nhờ các quyết sách của Đảng, sự và cuộc của các bộ, ngành, địa phương, trong 10 năm gần đây (2009 - 2019), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tục tăng, năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD.
Sản lượng lúa gạo tăng từ hơn 39 triệu tấn năm 2009 lên gần 44 triệu tấn năm 2019, sản lượng rau các loại tăng 80,5%, sản lượng trái cây tăng 50%. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, hợp lý, hiệu quả hơn. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến nông sản như Nafoods, TH, Vinamilk, Dabaco, Masan, Lavifood...
Trong khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, giá nhiều mặt hàng nông sản chính vẫn giữ được mức cao, nhiều mặt hàng được mùa, được giá. Đây là thành công mà không ngành nào có được.
Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư nhận định: “Nhờ đặc điểm của sản phẩm và hình thức kinh doanh online nên mức độ ảnh hưởng ít hơn. Bên cạnh đó, người nông dân rất năng động, thay đổi hình thức sản xuất, thay đổi mô hình sản xuất, để sản phẩm làm ra có thể bảo quản, chế biến để làm giảm bớt các thiệt hại”.
Trong hoàn cảnh khó khăn, nông nghiệp không chỉ bảo vệ cho từng hộ gia đình nông thôn mà còn là trụ đỡ vững chắc cho cả nền kinh tế. Tuy vậy hiện nay, trước tình trạng chuyển dịch cơ cấu sản xuất chậm, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm, ngành nông nghiệp quyết tâm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu để gỡ các điểm nghẽn, nút thắt.
“Chúng ta cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tiếp tục ưu tiên nguồn lực. Nguồn lực không phải chỉ là kinh tế mà còn là cơ chế, chính sách. Làm thế nào để thu hút được doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo được thêm nhiều hợp tác xã liên kết doanh nghiệp với người dân”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất nông lâm thủy sản theo 3 trục sản phẩm chủ lực là nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực cấp địa phương; chú trọng tạo đột phá thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực, hiệu quả phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra.
Điều này phù hợp với định hướng được nêu trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: “gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”.