(ĐTTCO) - Thị trường nông sản, thực phẩm Việt Nam đang trở thành miếng bánh hấp dẫn các DN đến từ nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và mới đây là Ireland.
Thị trường 90 triệu dân
Những ngày đầu tháng 9, khoảng 20 DN cùng nhiều quan chức Ireland đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm. Dịp này, phía Ireland đã chính thức gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng Việt Nam xin cấp phép cho sản phẩm bò của quốc gia này được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Theo số liệu từ phía Ireland, xuất khẩu nông sản từ Ireland sang Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Nếu như năm 2013, Ireland xuất khẩu khoảng 35 triệu EUR nông sản sang Việt Nam, đến năm 2015, con số này đã tăng lên 40 triệu EUR. Ireland xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm từ sữa, bên cạnh đó là các mặt hàng thịt heo, đồ uống, hải sản và thực phẩm chế biến. Một trong những yếu tố những DN này chú ý là đánh trúng vào xu hướng muốn sử dụng thực phẩm an toàn, tốt cho sức khoẻ của người tiêu dùng Việt Nam. Không chỉ riêng Ireland, mà hầu hết DN ngoại khi ngắm đến thị trường nông sản thực phẩm Việt Nam đều đánh vào yếu tố an toàn ngay đầu tiên.
Như phía Bộ Nông nghiệp, Lương thực và nông thôn Hàn Quốc trong ngày tổ chức chuỗi sự kiện “Lễ hội ẩm thực Hàn Quốc”, điều đầu tiên họ nhắc tới là an toàn cho sức khoẻ. Và trong chuỗi lễ hội này, phía Hàn Quốc đã tổ chức 2 ngày hội thảo, với nội dung tập trung vào chiến thuật tiếp cận thị trường Việt Nam, gặp gỡ thương mại trực tiếp giữa 30 DN xuất khẩu Hàn Quốc và 60 đơn vị nhập khẩu đến từ Việt Nam và một số quốc gia lân cận. Phía Hàn Quốc kỳ vọng sự kiện sẽ là cầu nối mở rộng nền tảng tiếp cận thị trường thực phẩm và nông sản tại các quốc gia khu vực ASEAN, trong đó trọng tâm là thị trường Việt Nam.
Trước đó vào cuối tháng 8, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã tổ chức kết nối DN về nông thủy sản, thực phẩm Nhật Bản - Việt Nam. Chương trình này có sự tham gia của 30 DN hoạt động trong lĩnh vực nông thủy sản đến từ Nhật Bản nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng cơ hội cho nông sản Nhật Bản vào Việt Nam. Các DN này cung cấp các sản phẩm như cá thu, thịt bò, rong biển, bánh, rượu… Theo thống kê năm 2015, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong số các quốc gia Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm. Không chỉ muốn đưa hàng vào thị trường Việt Nam, nhiều DN Nhật Bản còn đang cho thấy rõ ý định muốn đầu tư vào lĩnh vực nông thủy sản của Việt Nam để thêm đường xuất khẩu ngược lại Nhật Bản và nhiều thị trường khác. Phía cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết hiện nay số lượng DN Nhật Bản muốn thực hiện các dự án nông thủy sản tại Việt Nam ngày càng tăng. Rất nhiều DN Nhật Bản đang triển khai các dự án khảo sát thị trường tại Việt Nam, trước khi tiến hành đầu tư trực tiếp tại đây.
DN nội nhiều thách thức
Trong khi nhiều quốc gia đang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường Việt Nam, các DN Việt Nam lại khá chật vật khi xuất khẩu ngược lại, thậm chí ngay cả khi thuế giảm theo nhiều FTA. Nói về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển từng nhiều lần cảnh báo thách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp khi hội nhập, là chúng ta không bảo đảm được tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật để có thể tận dụng cơ hội khi các đối tác đưa thuế nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuống 0%. Trong trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, cơ hội không những không tận dụng được mà thách thức sẽ ập đến.
![]() |
Thị trường nông sản, thực phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng. |
Để xuất khẩu được nông sản qua những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian để đáp ứng những tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Như việc trái xoài cát chu của Việt Nam để vào được thị trường Nhật Bản các cơ quan chức năng, các nhà vườn, DN đã phải mất tới 5 năm mới thỏa mãn các tiêu chí của phía nhập khẩu. bên cạnh đó, những thị trường như Nhật Bản có những đòi hỏi rất cao, như phải duy trì được tính ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ đơn hàng… Trong khi xoài chỉ có mùa vụ cố định, rất khó đảm bảo lượng hàng duy trì đều trong các tháng.
Xuất khẩu gặp nhiều thách thức, tại thị trường trong nước nông sản, thực phẩm lại bị người tiêu dùng ngờ vực khi liên tiếp vấp phải những vụ việc liên quan đến chất cấm, hóa chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo số liệu Bộ Y tế, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 75.000 người chết vì ung thư, nghĩa là mỗi ngày có 250 người chết. Khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, một trong số đó do thực phẩm bẩn. Thực tế này buộc người tiêu dùng phải có sự lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ nước ngoài đang vào Việt Nam ngày càng nhiều, hoặc thực phẩm, nông sản Việt thiếu an toàn.
Vì thế, vấn đề cấp bách đặt ra là phải bảo đảm sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Song quan trọng là bảo đảm nông sản, thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà hơn hết là bảo đảm sức khỏe của người dân trong nước. Nếu không, Việt Nam sẽ tự đánh mất thế mạnh nông nghiệp của mình, đánh mất thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân. Hiện nay đã có một số DN Việt bắt tay vào sản xuất nông sản thực phẩm sạch, hữu cơ, nhưng con số đó vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.