(SGGP).- Đây cảnh báo của Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác công tư phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12-12.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện nay mỗi ngày có rất nhiều rau quả nhập chính thức từ nước ngoài, hoặc qua đường tiểu ngạch từ các nước láng giềng vào Việt Nam. Món hàng cơ bản nhất là gạo cũng đang bị gạo Campuchia và gạo Thái Lan lấn át, đường trắng của Thái Lan cũng vượt đường xa qua Campuchia đến Việt Nam, mà giá vẫn rẻ hơn 35% so với đường Việt Nam.
Nguyên nhân khiến nông sản và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước là do kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bà con nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm bẩn nguyên liệu (để lại dư lượng phân, thuốc cao quá ngưỡng cho phép, làm hại chất lượng nông sản), ô nhiễm môi trường đất và nước, làm tăng giá thành sản xuất; nhiều nơi còn áp dụng kỹ thuật lạc hậu trong chế biến sản phẩm.
Mặt khác, nông dân Việt Nam chăn nuôi, trồng trọt rất tự phát. Cây gì, con gì dễ bán thì trồng, nuôi, hùa theo tâm lý số đông. Còn doanh nghiệp lại ít hợp đồng với nông dân, thích mua hàng trôi nổi của thương lái, tìm ai bán rẻ nhất thì mua. Trong khi nông dân và doanh nghiệp mất lòng tin lẫn nhau thì Nhà nước cũng không có chiến lược nông nghiệp khả thi, để mặc cho nông dân và doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, chưa tích cực chuẩn bị cho doanh nghiệp và nông dân cải tiến năng lực cạnh tranh.