Nhiều DN kinh doanh nông - thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn sản xuất cao điểm, nhưng hoạt động ở trạng thái phập phù bởi thiếu vốn trầm trọng. Đã có một số nhà máy giảm công suất hoặc ngưng chạy vì không đủ tiền mua nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Rối bời vì thiếu vốn
Những ngày cuối tháng 2-2012, các nhà máy đường ở ĐBSCL chạy nước rút để kịp kết thúc niên vụ mía đường vào tháng 4 theo kế hoạch. Ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… nhà máy đường nào cũng chật cứng ghe chở mía chờ lên hàng.
Nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng các nhà máy lại rối bời vì không đủ kinh phí để trả tiền mua mía cho nông dân. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco) than thở: “Bình quân mỗi ngày công ty cần từ 6-7 tỷ đồng để mua mía nguyên liệu phục vụ cho 2 nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp.
Cần nhiều tiền nhưng nội lực có hạn nên tình hình rất khó khăn”. Theo ông Ngoan, các nhà máy đường thiếu vốn trầm trọng do tình hình tiêu thụ đường cát trên thị trường bị ách tắc. 2 nhà máy Vị Thanh và Phụng Hiệp từ đầu vụ đến nay sản xuất hơn 60.000 tấn đường nhưng mới bán được 40.000 tấn.
Tương tự, nhà máy đường Sóc Trăng sản xuất được 25.000 tấn đường nhưng chỉ bán được 21.000 tấn. Theo tính toán, từ nay đến cuối vụ, nhà máy này cần khoảng 100 tỷ đồng để mua mía nguyên liệu. Nếu không sớm giải quyết lượng hàng tồn kho thì vấn đề vốn sẽ rất nan giải.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc CTCP Mía đường Bến Tre cho biết công ty còn trên 5.000 tấn đường tồn kho, trong khi mỗi ngày cần từ 2,5-3 tỷ đồng mua mía. Tiêu thụ khó khăn nên công ty phải nỗ lực chạy tìm nguồn vốn vay để thanh toán tiền mía cho dân.
Hàng loạt DN thủy sản cũng mất ngủ vì thiếu vốn trong khi đơn hàng từ các nước châu Âu, Nhật Bản… giảm mạnh. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc CTCP chế biến thủy sản Út Xi thừa nhận chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2012 của công ty đang bị đe dọa.
Một số DN xuất khẩu cá tra ở TP Cần Thơ và An Giang tỏ ra lo ngại khi giá cá tra nguyên liệu gần đây tăng lên 26.500-27.000 đồng/kg. Với giá này, một nhà máy chế biến có công suất từ 200 tấn cá/ngày trở lên cần không dưới 50-60 tỷ đồng/ngày để mua nguyên liệu. Đây là số tiền rất lớn, trong khi ngân hàng áp dụng chính sách siết chặt tín dụng càng đẩy nhiều DN vào thế khó.
Nhiều thách thức khác
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trăn trở: “2012 được dự báo là năm rất khó khăn đối với ngành thủy sản. Giá tôm, cá nguyên liệu duy trì ở mức cao và luôn trong tình trạng thiếu hụt buộc các nhà máy phải cạnh tranh thu mua.
Thị trường xuất khẩu và giá xuất cũng không thuận lợi do ảnh hưởng kinh tế thế giới suy giảm. Trong khi chi phí đầu vào còn cao, chất lượng con giống ngày càng giảm, các nước nhập khẩu siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm… tất cả là gánh nặng cho DN thủy sản”.
2012 được dự báo là năm rất khó khăn đối với ngành thủy sản. |
Trước những khó khăn trên, VASEP lo ngại sẽ có không ít DN thủy sản bị “đuối sức”, thậm chí phải đóng cửa. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc CTCP Hùng Vương cho rằng rất nhiều thách thức mà các DN đang đối mặt, trong đó căng thẳng nhất vẫn là việc thiếu vốn trầm trọng.
Năm 2012, để các tỉnh ĐBSCL nuôi được 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cần khoảng 26.000 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều hộ nuôi cá và cả DN xuất khẩu không thể tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài ra, thời gian nuôi cá hiện kéo dài từ 8 tháng trở lên nhưng các ngân hàng hạn chế cho vay hoặc chỉ cho vay ngắn hạn.
Với tình hình tài chính đang bị “thắt cổ chai” như hiện nay, nhiều DN lo ngại khó đạt được chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2012 đạt 6,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc CTCP Gò Đàng, cho rằng trong tình thế thiếu vốn và xuất khẩu cá tra chưa mấy sáng sủa buộc DN phải tính toán kỹ lưỡng, cân đối hợp lý nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh.
DN nào xây dựng được vùng nuôi cá nguyên liệu đáp ứng 60-70% công suất nhà máy trở lên sẽ trụ vững; ngược lại nếu không có vùng nuôi, phụ thuộc toàn bộ vào lượng cá bên ngoài sẽ gặp khó.
Đối với các nhà máy mía đường, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam lo lắng khi lượng đường tồn kho của các nhà máy đã lên khoảng 250.000-300.000 tấn. Theo tính toán mỗi kg đường tồn kho sẽ tăng chi phí lên khoảng 250 đồng/tháng, cộng với mặt bằng lãi suất cao, chi phí đầu vào lớn… nâng giá thành sản xuất đường lên hơn 16.000 đồng/kg.
Gỡ khó cho DN mía đường, hiệp hội nhiều lần đề xuất với Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 100.000-150.000 tấn đường sang Trung Quốc nhằm giảm áp lực tồn kho, đồng thời tạo điều kiện cho DN thu hồi vốn nhằm trả tiền mía cho dân và tiếp tục sản xuất đến cuối vụ. Bộ NN-PTNT đã đồng ý nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa chính thức phê duyệt.
Trong lúc chờ cơ chế xuất khẩu đường, hiện các nhà máy đang tính toán hạ giá mua mía để cắt lỗ. Ngày 28-2, CTCP Mía đường Cần Thơ sẽ giảm giá thu mua mía nguyên liệu xuống 50 đồng/kg, sau đó sẽ giảm thêm 100 đồng/kg; tổng cộng giảm 150 đồng/kg mía.
Giảm giá mía sẽ khiến hàng loạt hộ trồng mía ở ĐBSCL “kêu trời” vì không có lời. Tuy nhiên các nhà máy không còn cách khác trong điều kiện thiếu vốn và lượng đường tồn kho tăng mỗi ngày.