Ông chủ mới tham vọng Tường An mới

(ĐTTCO) - Ngay sau khi được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Tường An, ông TRẦN LỆ NGUYÊN (ảnh) đã có buổi trả lời phỏng vấn với báo chí xoay quanh thương vụ M&A lớn nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay với giá trị gần 1.000 tỷ đồng, đặc biệt xoay quanh giải pháp nhằm vực lại một thương hiệu dầu ăn có gần 40 năm lịch sử.

(ĐTTCO) - Ngay sau khi được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Tường An, ông TRẦN LỆ NGUYÊN (ảnh) đã có buổi trả lời phỏng vấn với báo chí xoay quanh thương vụ M&A lớn nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay với giá trị gần 1.000 tỷ đồng, đặc biệt xoay quanh giải pháp nhằm vực lại một thương hiệu dầu ăn có gần 40 năm lịch sử.

PHÓNG VIÊN: - Đâu là lý do khiến KIDO quyết định chọn Tường An là đối tác của chiến lược hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thực phẩm? 

Ông TRẦN LỆ NGUYÊN: - Tường An là công ty có thị phần lớn thứ 2 trên thị trường dầu ăn Việt Nam với doanh thu hàng năm vào khoảng 4.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic). Tường An hiện có 2 nhà máy tinh luyện tại Bà Rịa - Vũng Tàu (nhà máy dầu Phú Mỹ) và Nghệ An (nhà máy dầu Vinh) với tổng công suất 240.000 tấn/năm. Đặc biệt, thương hiệu “Con Voi” của Tường An đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng cả nước trong suốt nhiều thập niên qua.

- Có ý kiến cho rằng Tường An đang có dấu hiệu “hụt hơi” so với các đối thủ cạnh tranh. Ông đánh giá như thế nào nhận định này và đã có những giải pháp gì để khắc phục?

- Dù là thương hiệu có mặt khá lâu và xếp thứ 2 về thị phần, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, Tường An đang có dấu hiệu hụt hơi trước sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ. Có 2 nguyên nhân khiến Tường An chưa thể bứt phá. Đầu tiên là cơ cấu sản phẩm quá đơn điệu, nhất là các sản phẩm dầu ăn cao cấp gần như nằm trong tay các công ty dầu ngoại. Điểm yếu nữa của Tường An là hệ thống phân phối còn khiêm tốn, chỉ hơn 200 nhà phân phối và đại lý tiêu thụ sản phẩm, 100 khách hàng sản xuất công nghiệp và 400 siêu thị, nhà hàng, quán ăn, trường học, nhà trẻ… Với thị trường miền Bắc, Tường An gần như bỏ ngỏ. Đây là con số khá khiêm tốn nếu biết rằng các điểm kinh doanh dầu thực vật trên cả nước hiện đã lên đến 400.000 điểm.

Đây là 2 công việc chính cần phải thực hiện ngay, thậm chí làm quyết liệt nếu muốn đưa Tường An trở lại thời hoàng kim với vị trí số 1 trên thị trường dầu ăn ở những năm 90 của thế kỷ trước. Song song đó, Tường An sẽ đẩy mạnh các chương trình quảng bá thương hiệu theo hướng sâu rộng hơn. Các chương trình quảng bá sắp tới của Tường An là đi thẳng vào các siêu thị, chợ truyền thống chứ không đơn thuần các chương trình quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như trước đây.

- KIDO đã rất thành công trong các thương vụ thâu tóm trước. Trong thương vụ thâu tóm Tường An lần này, ông có tự tin sẽ thành công? 

Ông Trần Lệ Nguyên là thành viên sáng lập Tập đoàn KIDO (KDC), là người trực tiếp chỉ đạo thương vụ mua lại nhà máy kem Wall’s từ Unilever (năm 2003) và xây dựng thương hiệu kem Kido’s thành thương hiệu dẫn đầu thị phần kem tại Việt Nam. Ngoài chức danh mới tại Tường An, ông Nguyên hiện đang ngồi ghế nóng: Chủ tịch HĐQT CTCK Rồng Việt (VDSC), Thành viên HĐQT Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Lavenue.

- Từ thành công của những thương vụ trước đây và đặc biệt là kinh nghiệm từ thương vụ mua lại Vocarimex, cũng là DN hoạt động trong lĩnh vực dầu thực vật, tôi hoàn toàn tự tin vào khả năng vực dậy Tường An trong thời gian ngắn. Tôi có thể dẫn chứng kết quả kinh doanh của Vocarimex trước khi KIDO thâu tóm lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi tham gia vào bộ máy điều hành, lợi nhuận của Vocarimex đã tăng vọt lên hơn 200 tỷ đồng. Hay như Rồng Việt với kết quả kinh doanh trong tháng 8-2016 đã ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 8,73 tỷ đồng. Đây cũng là tháng đạt được lợi nhuận cao nhất trong 8 tháng qua. Kết quả tích cực này đã  đưa lợi nhuận trước thuế của Rồng Việt tích lũy từ đầu năm đến nay đạt trên 40 tỷ đồng (tương đương 50,3% kế hoạch năm 80 tỷ đồng và tăng 490% so với cùng kỳ năm trước).

 Trên cương vị người đứng đầu, tôi có cam kết với HĐQT sẽ đưa Tường An “lột xác” ngay trong năm 2017. Mục tiêu cụ thể nhất là phấn đấu đưa tỷ suất lợi nhuận tăng trên 50% trong năm 2017 so với 2% như hiện tại.

- Hoạt động cổ phần hóa của các DN nhà nước như Sabeco hay Habeco hiện đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. KIDO có quan tâm đến các DN này?

- Nếu nói KIDO không quan tâm đến các hoạt động này là không đúng, thậm chí chúng tôi rất quan tâm, nhưng bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến hành động thực tế không hề đơn giản. Trước mắt, KIDO sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex từ 24% như hiện nay lên trên 51%.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác