Các thông tin liên quan đến hành vi phạm pháp của bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên thành viên HĐQT CTCK Phương Đông(ORS), đã ảnh hưởng đến giá CP của công ty. ORS hiện đã đình chỉ tư cách thành viên HĐQT của bà Như và khẳng định không có bất kỳ giao dịch nào đối với cá nhân bà Như.
Từ ngày 6 đến 14-10, ORS đã có 7 phiên giảm giá từ 4.100 đồng/CP xuống 2.900 đồng/CP. Cuối tuần qua, lãnh đạo ORS đã có giải trình về việc CP giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Nhưng đến thời điểm này vẫn có nhiều NĐT tỏ ra “bán tín, bán nghi” với giải trình từ phía ORS, rằng “không có bất kỳ giao dịch nào đối với cá nhân bà Như”.
Trong tháng 9, con của một thành viên Ban kiểm soát ORS đã liên tiếp đăng ký bán ra ORS. Đầu tháng 10, ORS thông báo thay thế một phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh công ty tại Hà Nội với lý do “nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.
Từ ngày 11-8 đến ngày 7-9, bà Trần Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT ORS, đã tiến hành mua vào 125.000 CP, nâng tổng số CP nắm giữ lên 375.000 CP, tương đương 1,56% vốn điều lệ. Như vậy trừ động thái mua vào của Chủ tịch HĐQT, những biến cố còn lại tại ORS đều gợi mở suy luận có hành động “thoát thân” ngay từ những người trong công ty?
Mới đây, ĐTTC đã nhận được biên bản làm việc (có con dấu của ORS) giữa ông Võ Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc ORS, với bà Triệu Thị Hương Giang. Theo đó, bà Giang đề nghị ORS cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc ứng cử, bổ nhiệm và từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà để gửi các cơ quan hữu quan điều tra.
Theo bà Giang, các hồ sơ ứng cử, từ nhiệm này là giả mạo, làm tổn hại uy tín cá nhân của bà. Phía ORS đã cung cấp cho bà Giang các giấy tờ bao gồm thư ứng cử, đề cử vào HĐQT ORS nhiệm kỳ 2011-2016 của bà bà Triệu Thị Hương Giang; thông tin cá nhân của bà Giang; đơn từ nhiệm của bà; Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2011; Nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT ngày 18-7.
NĐT giao dịch tại ORS. Ảnh: CAO THĂNG |
Trong thư ứng cử, đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2011-2016 của ORS, 4 cổ đông sở hữu gần 3,6 triệu CP, chiếm tỷ lệ gần 15% tổng số cổ phần biểu quyết đã đề cử 2 ứng viên là Huỳnh Thị Huyền Như và Triệu Thị Hương Giang vào HĐQT.
Một điểm rất đáng chú ý là trong phần “chấp nhận của người được đề cử” chữ ký của bà Triệu Thị Hương Giang là một chữ “Giang” rất dễ đọc. Trong phần thông tin cá nhân của bà Triệu Thị Hương Giang, chữ ký cũng tiếp tục là chữ “Giang”. Nhưng chữ ký của bà Giang trong biên bản làm việc giữa bà Giang và ORS vào ngày 10-10 lại khác hẳn. Qua đây, có hay không sự khuất tất trong việc tuyển chọn, đề cử, ứng cử thành viên HĐQT?
Vì sao chữ ký thành viên HĐQT, có thể gọi là yếu nhân trong một doanh nghiệp mà lại lúc này lúc khác? Vậy có một hay hai bà Giang? Đến đây cũng cần xem lại việc ORS giải trình theo kiểu “không liên quan” gì đến bà Như. Bởi lẽ, người tham gia HĐQT của một doanh nghiệp tất nhiên phải có vị thế và đặc quyền nhất định.
Trở lại với chuyện giá ORS trên thị trường, một số người theo dõi phiên giao dịch cuối tuần cho rằng ORS đã giảm “hết ga” và tạm thời tạo đáy nên có thể “chơi” được để thử cảm giác mạnh. Dẫn chứng được đưa ra là trường hợp của DVD cũng có lãnh đạo bị rơi vào vòng lao lý, CP giảm mạnh nhưng cũng có lúc tăng giá nên có thể lặp lại với ORS.
Tuy nhiên, những ai muốn thử “đánh bạc” với ORS cần lưu ý đến một vấn đề là tại thời điểm 30-6, trong BCTC soát xét 6 tháng của ORS, khoản mục “các khoản phải trả ngắn hạn khác” có giá trị 1.459.890.688.127 đồng và không thuyết minh rõ ràng là gì, khoản mục này gấp 6 lần vốn điều lệ của ORS.
Tại thời điểm đầu năm 2011 khoản mục này chỉ có giá trị 125.160.326.587 đồng. ORS giảm về mức 3.000 đồng/CP, thậm chí 2.000 đồng/CP có là rẻ với khoản nợ phải trả lớn như vậy?