Những sản vật như lúa lớn lên từ phù sa đầm phá này đã tạo ra một vùng đất được mệnh danh phong lưu của hàng vạn đời từ xưa đến nay.
Vạn năm lộc trời
Phá Hạc Hải rộng hàng ngàn ngàn héc ta, với hàng vạn năm nuôi nấng nông dân trong vùng qua hệ sinh thái nước lợ. Mỗi năm lũ lụt kéo về, tuy gây ra thiệt hại nhưng cũng để lại lượng phù sa tốt cho cây lúa và thức ăn cho những loài thủy sản đặc trưng sông nước.
Trong số những sản vật mà con người được bù đắp cho Hạc Hải, có con rạm, con ốc, con vẹm. Rồi cá bống, cá diếc, cá quả, cá chép, lươn, ếch…Cùng với đó là nhiều vô kể các loài chim di cư theo mùa về Hạc Hải mỗi năm, tạo ra nguồn sản vật đa dạng cho một vùng đầm phá nuôi sống nhiều làng mạc, dưỡng dục nhiều lớp người lớn lên.
Phong lưu ở Hạc Hải có lẽ là ở con cá trẻng, một dòng như cá chép, tuy nhiên dáng hình bơi lội nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, lực lưỡng hơn cá chép với cái vây như hình thoi. Ngày xưa, thanh niên trong những ngôi làng bên phá Hạc Hải đi đánh bắt, trúng cá chép đã mừng, trúng được con cá trẻng 5 ký là một kỳ tích
. Dân địa phương xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh gọi cá trẻng là loài cá ngon kỳ lạ. Không có mùi rong rêu, kho xổi cùng nước mắm làng biển hay nêm nếm ngọn lá nén bên đồi cát, chan cùng bát cơm từ lúa trồng ở Hạc Hải, tạo nên món ngon trứ danh bên những xóm làng ven phá.
|
Hay như những ai sống ở Hạc Hải, lớn lên đều phải biết thưởng thức nhút tép. Chị Đỗ Thị Hoa, người xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy kể: “Nhút tép của Hạc Hải ngon nức tiếng. Đãi khách xa, ăn giữa cơm nóng mùa đông nhớ mãi cả năm. Nhút tép chưng lên, phơi dưới nắng yếu rồi chưng bên bếp than hồng, chín dần, dậy mùi đất trời làng quê. Làm nông dân cũng nhớ, mà người đi xa lại càng nhớ mùi nhút tép. Vì đó là mùi Hạc Hải thân thuộc. Mùi của quê nhà”.
Quanh phá Hạc Hải nối với sông Kiến Giang uốn lượn, con người lớn lên, sinh sống tạo ra hàng loạt lễ hội quanh vùng đầm phá nước lợ này. Như lễ hội đuổi chim bảo vệ mùa màng, hát hò khoan vòng quanh đầm phá với những đối đáp phản ánh cuộc sống phong lưu được dựng xây bền bỉ hàng ngàn năm qua.
Và từ đó, sản sinh bao văn nhân lừng lẫy như tiến sĩ Dương Văn An, quốc sư Nguyễn Nhuận…Những vị tướng lỗi lạc như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Mỗi lần về với Hạc Hải, con người trong vùng thông minh dí dỏm nhưng chân thành lại càng cuốn hút người phương xa đến tìm hiểu vỉa tầng văn hóa đầy lớp lang nơi đây.
Lão nông dựng trường cho trò nghèo
Sâu bên bờ Hạc Hải của xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh có một cánh đồng rộng tới 150ha được người dân trong vùng đặt tên là đồng ông Hoàng. Người đã mất 117 năm, nhưng dân trong vùng vẫn ngưỡng ngọng công lao khai hoang đất đai vùng đầm phá cho dân thoát nghèo, cày cấy mỗi năm 2 vụ bội thu từ hơn trăm năm qua.
Cụ ông Nguyễn Thạo (88 tuổi) kể: “Đồng ông Hoàng là cụ Hoàng Kế Viêm, người làng Văn La, xã Lương Ninh. Cụ vốn là vị tướng tài ba, bị giặc Pháp và triều đình bù nhìn cho về an trí ở quê nhà. Không màng danh lợi, có tiếng tăm lừng lẫy trong lần đầu đánh thắng Pháp, về quê cụ không thối chí, cùng con cháu đi khai hoang ruộng đất, trở thành lão nông tri điền. Cụ tạo ra hơn 150ha đất lúa cò bay thẳng cánh.
Ông nội tôi kể lại, vụ mùa đầu tiên, cụ Hoàng Kế Viêm không chia thóc cho bản thân mình mà chia hết cho những nông dân khó khăn. Vụ mùa thứ hai, cụ cho đắp từng mẫu ruộng lớn, từ đó chia cho từng tá điền, không lấy thuế thóc, ai làm được cụ đều phân ruộng cho. Hàng ngàn tá điền ở vùng Gia Ninh, Võ Ninh, Duy Ninh đã được cụ Hoàng cấp đất dưới thời phong kiến, làm ăn đủ sống, nhiều hộ gia đình từ đó mà có của ăn của để, cuộc sống phong lưu”.
Ngày nay nhiều loài chim di cư trở về Hạc Hải nên nhiều người dân bảo tồn, chăm sóc, khoanh nuôi để bảo vệ hệ sinh thái xanh.Ảnh: MINH PHONG |
Cũng từ phá Hạc Hải, hơn 100 năm trước, có một người nông dân nhờ cần cù chăm chỉ khai phá đất nhiễm phèn mà trở thành giàu có, xây trường, thuê thầy về dạy miễn phí cho con em trong thôn. Ấy là cụ Nguyễn Ngồi, người làng Quảng Xá, xã Tân Ninh. Khoảng 125 năm trước, cụ Nguyễn Ngồi là con cái của một nhà nông tri điền, tính tình hiền lành, chăm chỉ cày bừa, cuộc sống vì thế phất lên nhanh chóng.
Gia đình thuê người trong vùng theo nghiệp nông gia. Ông giáo già Dương Viết Thủ kể: “Cụ Nguyễn Ngồi là cháu cùng họ với quốc sư Nguyễn Nhuận, người dạy vua Hàm Nghi. Cụ Nguyễn Ngồi học không cao, biết chữ nho, nhưng theo nghiệp đồng áng. Của làm ra, cụ Ngồi không tiêu riêng mình mà hay phát chẩn cho người nghèo trong làng, ai học hành tấn tới, cụ đều cho thưởng như cách khuyến học cho dân”.
Ruộng lúa bên bờ Hạc Hải được vở hoang rộng lớn, cụ chia cho các tá điền trong vùng. Làm ăn giàu có, cụ Nguyễn Ngồi thuê người dựng mấy dãy phòng, mở trường học cho con em làng Quảng Xá bằng chữ quốc ngữ. Cụ mời những người thầy về dạy học trò trong thôn, ai trưởng thành đi xa học, cụ trích tiền cho học, ai truyền bá cái mới, cụ đều bí mật tạo điều kiện, những thầy giáo về vừa dạy học, vừa truyền bá các phong trào mới cụ đều ưng thuận. “Bởi với cụ, giàu có mà bị đô hộ là nhục, không đi học hành tấn tới mà con em xóm làng muốn học để rửa mối nhục mất nước cụ đều gom góp của cải để họ đi ra đưa cái mới, đưa cách mạng về” – ông giáo già Dương Viết Thủ kể.
Vậy nên, cả đại gia đình cụ Nguyễn Ngồi thế hệ sau đều theo cách mạng. Bao nhiêu điền sản đều chia cho dân cày có ruộng. Tài sản cũng vì thế đóng góp hết cho cách mạng. Ngày nay, khu trường học cụ Nguyễn Ngồi dựng dạy miễn phí cho con em trong vùng không còn, nhưng vết tích vẫn lưu lại trong lòng người dân truyền đời nơi đây như một nét đẹp được dung dưỡng bởi lòng phá trầm tích Hạc Hải.