Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) không đồng tình với việc quy định ngạch riêng cho cán bộ công chức (CBCC) cấp xã. CBCC cấp xã là cấp gần dân nhất, là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân; cũng đang hưởng lương từ Nhà nước, được tuyển dụng theo cùng cơ chế, vì vậy cần liên thông bộ máy công chức từ trung ương đến cấp xã, để củng cố niềm tin cho đội ngũ này. Việc làm này còn góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng vặt.
Đồng tình quan điểm của ĐB Nguyễn Quốc Hận, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, việc thực tế đang có 95.000 CBCC xã chưa có trình độ đại học là do những quy định về chuẩn hóa đã có mà chưa được thực hiện nghiêm túc. Phải có lộ trình thay thế, đào tạo chuẩn hóa CBCC cấp xã và đưa họ vào cùng một hệ thống CBCC các cấp.
Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu ý kiến. Ảnh TTXVN
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận định, dự thảo luật cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế để phát hiện, trọng dụng người tài, minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu các cấp để người sau khi được tuyển dụng còn có đất dụng võ. Đề nghị luật hóa quy định miễn nhiệm những CBCC được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp.
Về thi tuyển, xét tuyển CBCC, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nhấn mạnh, định nghĩa trong dự thảo luật về “tài năng trong hoạt động công vụ” vẫn mang tính định tính, cần cụ thể hóa để có cơ sở tuyển dụng, đãi ngộ. Đề nghị chỉ áp dụng việc xét tuyển (không qua thi tuyển) đối với một số đối tượng là viên chức lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, những người có tài thực sự…
“Để tuyển chọn được người làm được việc, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương trong thi tuyển, xét tuyển công chức, tránh ôm đồm về trung ương”, ĐB Trần Văn Mão bình luận. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tán thành: “Cấp trực tiếp sử dụng CBCC cần được trao quyền chủ động nhiều hơn, chứ như hiện nay thì quy định tuyển dụng không có gì mới. Đều là cấp trên tuyển, cấp trực tiếp sử dụng chỉ tiếp nhận, CBCC vi phạm kỷ luật cũng không có quyền sa thải”…
Một nội dung khác trong dự thảo luật cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý là việc kỷ luật CBCC đã nghỉ hưu. Đề nghị thống nhất các quy định về kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) băn khoăn: Khi một người đã nghỉ hưu bị xóa tư cách “nguyên cán bộ”, thì những quyết định, bằng cấp… mà họ đã ký có còn giá trị pháp lý không?