Trước việc Trung Quốc ngày 18-4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, ngày 19-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Tối 19-4, ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), cho biết, UBND huyện Hoàng Sa chính thức lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ lập tức quyết định sai trái, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, khẳng định: Là chính quyền địa phương thuộc TP Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa. Lập trường này đối với cái gọi là thành phố Tam Sa cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 4-7-2012 của HĐND TP Đà Nẵng và các tuyên bố của UBND huyện Hoàng Sa trong suốt thời gian qua.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.