Phân hóa KQKD (K2): Càng phình, càng lỗ

Trái ngược với những doanh nghiệp nhỏ làm ăn có hiệu quả là những doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng lợi nhuận lại tỷ lệ nghịch. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do liên tục thua lỗ.

Trái ngược với những doanh nghiệp nhỏ làm ăn có hiệu quả là những doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng lợi nhuận lại tỷ lệ nghịch. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản do liên tục thua lỗ.

Phân hóa KQKD (K1): Nhỏ nhưng lợi nhuận không nhỏ

Ứng phó kém

Một trong những doanh nghiệp vận tải biển có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) với 1.400 tỷ đồng. Quy mô là vậy nhưng VOS lại là doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động trái ngược với vốn điều lệ.

Bất ngờ có lãi trong quý III nhưng ngay trong quý cuối cùng của năm 2013 VOS lại rơi vào vòng xoáy thua lỗ. BCTC quý IV-2013 cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp này âm hơn 24 tỷ đồng, nâng mức lỗ của cả năm lên gần 194 tỷ đồng (kế hoạch lợi nhuận cả năm là 7 tỷ đồng).

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp VOS báo lỗ với lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm ngày 31-12-2013 là 209,5 tỷ đồng. Như vậy, nếu BCTC kiểm toán năm 2013 của VOS vẫn có kết quả hoạt động kinh doanh là số âm, mã VOS sẽ bị HOSE đưa vào diện tạm ngừng giao dịch theo quy định. VOS hiện đang nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2012 là con số âm.

 Tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp đều được phản ánh vào giá CK đang được giao dịch trên TTCK. Cụ thể, PVX đang được giao dịch ở mức giá 3.800 đồng/CP, VOS 4.000 đồng/CP, HLG 5.800 đồng/CP.

Việc VOS tiếp tục thua lỗ trong năm 2013 là điều được giới chuyên môn dự báo trước, bởi lĩnh vực chính doanh nghiệp này đang hoạt động vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ suy thoái. Tuy nhiên, điều khiến cổ đông và NĐT bức xúc chính là sự thiếu linh hoạt trong việc ứng phó với khó khăn của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Có thể lấy dẫn chứng từ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 của VOS. Trong năm tài chính này, dù nhận thức được khó khăn nhưng giải pháp khả thi nhất mà lãnh đạo VOS đưa ra cũng chỉ là hoạt động... bán tàu.

Trong khi đó, một trong những nguyên nhân đẩy VOS vào tình trạng bi đát như hiện tại là vấn đề đầu tư tràn lan lại không được giải quyết quyết liệt như hành động bán tàu. Cụ thể, thay vì nhanh chóng thoái vốn khỏi các hoạt động đầu tư ngoài ngành, VOS cũng lên kế hoạch thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines tại Nghệ An kể từ... năm 2015.  

Thua vì tham vọng lớn

Theo BCTC quý IV-2013 vừa được CTCP Tập đoàn Hoàng Long (HLG) công bố, doanh nghiệp này lỗ hơn 214 tỷ đồng trong cả năm 2013. Đây là năm tài chính đầu tiên kể từ năm 2007 đến nay lợi nhuận của HLG âm.

Nguyên nhân thua lỗ đến từ việc kinh doanh dưới giá vốn của HLG. Theo đó, doanh thu thuần trong năm đạt 1.141 tỷ đồng nhưng giá vốn đến 1.231 tỷ đồng (cả 2 chỉ tiêu đều giảm 26% và 28% so với năm trước). Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh tài chính HLG trong năm 2013 cũng mang lại khoản lỗ gần 96 tỷ đồng.

Kết quả, HLG lỗ ròng hợp nhất 214 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31-12-2013 âm 164,4 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ ngắn hạn của HLG cuối năm 2013 ở mức 1.165 tỷ đồng, vượt giá trị tài sản ngắn hạn là 927 tỷ đồng.

Những NĐT từng gắn bó với HLG từ những ngày đầu chắc hẳn không khỏi ngạc nhiên trước việc “sẩy chân” của doanh nghiệp bởi tốc độ tăng trưởng ấn tượng mà doanh nghiệp này ghi nhận được. Cụ thể, từ số vốn ban đầu vỏn vẹn 1 tỷ đồng (năm 1999), sau 10 lần tăng vốn, đến thời điểm hiện nay vốn điều lệ của HLG đạt 443 tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng về vốn, HLG cũng ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 30-35% trong 10 năm qua. Tuy nhiên, chính tham vọng đa ngành đã đẩy HLG rơi vào tình trạng khó khăn từ năm 2012. Tiền thân là doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá, đến nay đã lan sang các lĩnh vực phân bón, nông sản, nuôi trồng, chế biến hải sản, cấp nước, taxi, bất động sản và cả TTCK. Việc ôm đồm quá nhiều lĩnh vực trong khi khả năng quản trị có hạn đã góp phần kéo lùi đà tiến của HLG.

Lực bất tòng tâm

Tính đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp niêm yết thua lỗ nặng nhất trong năm 2013 là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX). Cụ thể, theo BCTC quý IV-2013 vừa được PVX công bố, doanh nghiệp này lỗ hơn 2.632 tỷ đồng dù doanh thu trong quý tăng 21% và doanh thu cả năm tăng 10%.

Như vậy, nếu cộng với khoản lỗ của năm 2012, lỗ lũy kế của PVX đã xấp xỉ 4.500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, ông Bùi Ngọc Hưng, Phó Tổng giám đốc PVX, cho biết khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PVX, đặc biệt ở những dự án PVX đang thi công hoặc đang đấu thầu bị giãn tiến độ.

Điều này ảnh hưởng đến sản lượng thấp trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí nhân công, chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của PVX chính là việc doanh nghiệp phải trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn, các khoản đầu tư CK và các khoản bảo lãnh quá hạn để giảm rủi ro về tài chính do thị trường xây dựng và bất động sản đóng băng.

Thực tế, trước khi bước vào năm tài chính 2013, lãnh đạo PVX đã đưa ra rất nhiều giải pháp, thậm chí tái cơ cấu nhằm vực dậy doanh nghiệp nhưng kết quả nhận được hoàn toàn ngược lại.

Theo ông Hưng, doanh nghiệp đã rất nỗ lực thu hồi được một phần công nợ và xử lý một số khoản bảo lãnh vay vốn quá hạn. Thế nhưng, do các đơn vị thành viên gặp khó khăn về việc làm và tài chính nên đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình thu hồi.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều khoản công nợ lớn của PVX chưa được thu hồi nên doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trích lập các khoản dự phòng theo quy định. Ngoài khó khăn về tài chính, các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm nên kết quả kinh doanh không như mong đợi.

Các tin khác