Tuy nhiên, điều quan trọng DN năng lượng tái tạo cần nhất lúc này, chính là sớm hoàn thiện chính sách để thực thi cơ chế giá bán điện trực tiếp. Đây được ví như “phao cứu sinh” cho các DN trong thời điểm hiện nay.
Chính phủ quyết tâm cứu
Ngày 9-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về việc bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Một điểm đáng chú ý là tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, cập nhật các dự án điện mặt trời, điện gió chưa có, hoặc đã khắc phục theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Song ông lưu ý, các dự án này vẫn phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế.
Trong khi đó, nói riêng về điện mặt trời, đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng gỡ khó cho 154 dự án điện mặt trời thuộc diện thanh tra, điều tra đã có kết luận.
Như vậy mới giúp các địa phương, chủ đầu tư triển khai các dự án phù hợp với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, và thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây cũng là “tia hy vọng le lói” cho lối thoát của các dự án điện mặt trời đang bị “đắp chiếu” thời gian qua, do những vướng mắc về mặt pháp lý, thủ tục và bị thanh tra.
Vì sao các dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng phải “đắp chiếu”? Được biết trước đó, trong Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào 2025. Nhưng giai đoạn vừa qua, loại năng lượng này phát triển vượt quy hoạch, cao gấp hơn 17 lần tổng công suất được duyệt.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó có 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện.
Nói về điện gió, đại diện Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các địa phương rà soát, đề xuất hướng tháo gỡ cho số dự án điện gió trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của địa phương, DN và nhà đầu tư.
Bởi trước đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị đưa ra khỏi kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII một số dự án điện gió do địa phương chậm đề xuất so với thời hạn, hoặc quy hoạch chồng lấn với khu vực có khoáng sản, dù lãnh đạo một số địa phương giải thích rằng nhiều dự án chỉ chậm đề xuất về thời hạn, nhưng không thuộc diện bị xử lý, điều tra hình sự.
Ngày 10-7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản gửi Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết, sẽ được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.
Đây có thể xem là những động thái tích cực đến từ Chính phủ, nhằm gỡ khó cho các DN năng lượng tái tạo hiện nay, sau một thời gian dài bị “bất động” do những vướng mắc về mặt pháp lý.
DN cần “phao cứu sinh”
Có thể nói, những động thái trên từ phía cơ quan chức năng cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP ngày 3-7-2024, quy định về cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, đã nhen nhóm lên những hy vọng cho các DN năng lượng tái tạo. Bởi Nghị định 80 được triển khai nhanh chóng sẽ tạo thêm “người mua” trong thị trường điện cạnh tranh, thay vì chỉ có EVN và các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN, đưa thị trường tiến gần tới cấp độ “bán buôn” và “bán lẻ” cạnh tranh.
Mặt khác, cơ chế DPPA sẽ tạo cơ hội cho đầu tư phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, và tạo cơ hội để các DN sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon, để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia và từ phía đại diện các DN năng lượng tái tạo, để thực thi được cơ chế DPPA hiện nay có thể vẫn rất khó. Bởi lẽ, các hợp đồng mua bán điện trực tiếp cũng tạo ra áp lực lớn cho lưới điện, vì phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng. Do đó, cần phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện.
Thêm vào đó, giá điện khí và lưu trữ hiện tại cao gấp rưỡi giá điện bán lẻ của EVN, nên không khuyến khích các DN (ngoài EVN) đầu tư vào lĩnh vực này, dù Quy hoạch điện VIII có đưa ra tham vọng lớn. Nếu EVN tự đầu tư sẽ gây thua lỗ, nhưng không có điện khí và lưu trữ thì không thể tăng tiếp năng lượng tái tạo theo yêu cầu của các DN muốn cơ chế DPPA.
Do đó, chỉ khi nào cơ chế DPPA được hiện thực hóa thành những hợp đồng cụ thể, giá cả rõ ràng, lúc đó các DN năng lượng tái tạo mới có thể tạm xem là có được “phao cứu sinh” để giảm được bớt áp lực từ vay nợ ngân hàng, nguy cơ thua lỗ và thậm chí phá sản như hiện nay.
Nói như nhiều DN ví von, “phao cứu sinh” đã có nhưng cũng phải cần có “đường dẫn lên phao cứu sinh”.
Chỉ khi nào cơ chế DPPA được hiện thực hóa thành những hợp đồng cụ thể, giá cả rõ ràng, lúc đó các DN năng lượng tái tạo mới có thể tạm xem là có được “phao cứu sinh”, giảm được bớt áp lực từ vay nợ ngân hàng, nguy cơ thua lỗ và thậm chí là phá sản.