Tìm đối trọng mới
Dự án thiết lập tuyến thương mại trên sẽ được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông trong tháng 1-2018 và tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg vào tháng 5 tới. Đài RFI bình luận mục tiêu của ông Macron là thu hút thêm đầu tư của Nga và Trung Quốc nhằm tạo thêm công ăn việc làm tại Pháp.
Thông tin trên đã được Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire công bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Wall Street, đăng số ra ngày 1-1. Theo ông Le Maire, mục tiêu của Pháp là chuyển một thế giới bị các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương độc quyền chi phối thành một thế giới có sự cân bằng hơn. Bộ trưởng Le Maire cũng chỉ trích việc áp đặt lệnh trừng phạt xuyên lãnh thổ của Mỹ, theo đó các công ty nước ngoài đang làm việc với Mỹ không được phép hợp tác với Nga.
Ông nhấn mạnh rằng những biện pháp như vậy có thể biến Mỹ thành thế lực chi phối thương mại toàn cầu, điều mâu thuẫn với quan điểm của Pháp về một hệ thống thương mại quốc tế đa biên.
Trong thông điệp mừng năm mới 2018, ông E.Macron tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, việc làm, y tế, nhà ở trong năm 2018, đồng thời khởi động việc phục hưng nước Pháp trong bối cảnh kinh tế tiến triển khả quan. Ông kêu gọi người dân Pháp xóa bỏ những bất đồng làm suy yếu đất nước...
Bệ phóng chưa vững
Nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Âu đã trải qua nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp cũng như thâm hụt ngân sách cao. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Đức và Anh lại tận hưởng đà hồi phục mạnh mẽ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế ảm đạm, GDP của Pháp cuối cùng cũng tăng cao hơn, nhưng vẫn ở mức rất thấp. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Pháp đã tăng trưởng 1,2% trong năm 2016, 1,4% trong năm 2017. Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn hơn ở châu Âu là Đức và Anh đều tăng trưởng 1,8% trong cùng kỳ.
Pháp cũng gặp khó khăn trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp - hiện đang ở gần mức 10%. Con số này còn cao hơn cả mức trung bình của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức và Anh. Vấn đề về tỷ lệ thất nghiệp còn tồi tệ hơn đối với những người trẻ tuổi: 24% người nằm trong độ tuổi 15-24 không có việc làm. Trong khi đó, nợ chính phủ đã nhảy vọt lên gần mức 90%.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều u ám, đâu đó vẫn lóe lên vài điểm sáng: Pháp có bất bình đẳng thu nhập tương đối thấp và số lượng người gặp nguy cơ nghèo đói thấp hơn Đức hoặc Anh. Tỷ lệ chi tiêu của Chính phủ Pháp (tính trên GDP) vào các chương trình xã hội và phúc lợi cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế chủ chốt khác. Nhưng cũng chính hệ thống phúc lợi hào phóng đã dẫn đến thâm hụt ngân sách ngày càng cao, còn hệ thống y tế đang rất cần tiền mặt. IMF đã vận động các cuộc cải cách kinh tế để kiểm soát chi tiêu công.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), EU sẽ phục hồi toàn diện. Vào năm 2017, GDP của khu vực EU được trông đợi sẽ tăng 2,4%. Vào năm 2018, kinh tế sẽ tăng 2,1% và năm 2019 tăng khoảng 1,7%. Niềm tin của người tiêu dùng tại các nước thành viên hàng đầu đang tăng lên. Thu nhập dự báo sẽ tăng lên đáng kể so với các năm trước trong điều kiện thêm nhiều người có việc làm. Tại một số nước, môi trường đầu tư nhờ các chính sách kinh tế được cải thiện một phần.