Phạt cao liệu có nói đúng?

Quảng cáo là một hình thức quảng bá thương hiệu hiệu quả của DN, giúp người tiêu dùng hiểu về công dụng, chức năng, uy tín của sản phẩm.

Trong bối cảnh hàng hóa sản xuất ra ngày càng đa dạng, sự cạnh tranh bán hàng gay gắt, quảng cáo còn là chiến lược quan trọng để DN có thể tiêu thụ được hàng. Tuy nhiên, cũng vì sự cạnh tranh này, nhiều DN đã quảng cáo quá đà so với sự thật.

Chẳng hạn sản phẩm mì Tiến Vua, khi đoạn quảng cáo loại mì ăn liền này không sử dụng dầu đã sử dụng nhiều lần, hoàn toàn không chứa transfat, người tiêu dùng đã ồ ạt chuyển sang sử dụng mì Tiến Vua thay cho những sản phẩm cùng loại khác, vì tin rằng sản phẩm này không chứa chất béo nguy cơ gây đột quỵ, đau tim, bệnh mạch vành… như quảng cáo.

Tuy nhiên theo kết quả phân tích mẫu số 10071105/107315 của CTCP Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (TPHCM), tỷ lệ chất transfat trong mì Tiến Vua là 0,097%. Hay như Home Shopping, dịch vụ mua sắm tại nhà được quảng cáo trên các kênh truyền hình, giới thiệu hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, nhưng đa số là quảng cáo sai sự thật, phóng đại về tính năng, hiệu quả của sản phẩm.

Khi người tiêu dùng mua hàng, đơn vị này còn thực hiện hành vi bán hàng giả, hàng nhái. Do vậy, dù Home Shopping phổ biến chưa lâu độ tin cậy về chất lượng hàng hóa với người dân rất thấp do đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Mới đây, thị trường lại xôn xao khi Công ty Sơn Oseven quảng bá sản phẩm sơn gỗ với thông điệp “tăng tuổi thọ cho thợ sơn”. Nhưng theo Cục Hóa chất, hoàn toàn không có loại sơn nào không ảnh hưởng đến sức khỏe của thợ sơn; đồng thời Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng khẳng định đây là hình thức quảng cáo lộng ngôn, sai sự thật.

Trước tình trạng DN quảng cáo sai sự thật tràn lan, dự thảo Luật Quảng cáo trình Quốc hội đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, trong đó quy định hành vi quảng cáo hàng hóa không trung thực, quảng cáo không đúng sự thật sẽ bị phạt 200 triệu đồng, gấp 5 lần mức phạt hiện nay.

Việc Luật Quảng cáo ra đời có thể coi là công cụ chế tài mạnh để răn đe, xử lý những kiểu quảng cáo quá lố hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây không phải là mức phạt đủ mạnh hay chưa mà là ý thức của DN trong việc quảng bá thương hiệu như thế nào.

Giữa DN và người tiêu dùng đã có một mối quan hệ chặt chẽ, một bên có nhu cầu, một bên cung cấp. Nhưng mối quan hệ này chỉ bền vững khi nguồn cung đáp ứng được độ tin cậy của nhu cầu. Chỉ một lần nói sai sự thật, người tiêu dùng có thể quay lưng để lựa chọn những sản phẩm khác.

Do vậy, DN không nên lợi dụng vào lòng tin của người tiêu dùng, lợi dụng tâm lý muốn mua hàng rẻ hay muốn bảo vệ sức khỏe để quảng cáo không đúng với tính năng sản phẩm, hay cung cấp những sản phẩm kém chất lượng.

Thay vào đó, DN nên phát huy những cách quảng cáo mang tính nhân văn, đúng bản chất sản phẩm để người tiêu dùng có thể lựa chọn dựa trên cái nhìn khách quan, qua đó xây dựng mối quan hệ gắn kết lâu dài giữa người tiêu dùng và DN.

Các tin khác