Tuy nhiên, khả năng tham gia vào giải quyết vụ việc bao gồm cả trong nước lẫn quốc tế của các trung tâm trọng tài nước ta vẫn còn khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân?
Quan tâm đúng mức đến hoạt động trọng tài
Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù số trung tâm trọng tài được thành lập nhiều nhưng số trung tâm thường xuyên có vụ việc giải quyết chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí có trung tâm cho đến nay chưa ban hành một phán quyết trọng tài nào. Khả năng tham gia các vụ việc giải quyết tranh chấp quốc tế trong khu vực cũng như trên thế giới của các trung tâm trọng tài còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ trọng tài viên cũng còn hạn chế. Một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế; yếu về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp; số trọng tài viên có trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia tranh tụng tại các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế còn rất ít.
Người dân, du khách thường chọn các thương hiệu uy tín để đặt mua sản phẩm du lịch phù hợp.
Ghi nhận từ các trung tâm trọng tài, số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài đã có xu hướng tăng lên, tuy nhiên so với nhu cầu thực tiễn việc giải quyết các tranh chấp thương mại thì vẫn còn ở mức khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, số vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài tại Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được tòa án thụ lý, xét xử hàng năm.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thực hiện thường xuyên; cơ chế phối hợp trong việc quản lý tổ chức, hoạt động trọng tài tại địa phương còn chưa được chặt chẽ dẫn đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước chưa cao.
Ngoài ra, quy định về hủy phán quyết trọng tài còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều phán quyết trọng tài bị hủy một cách thiếu căn cứ. Việc các phán quyết trọng tài bị hủy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp e ngại khi lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết khi có tranh chấp.
Để góp phần hạn chế những bất cập này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trọng tài thương mại, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại... Song song đó, cần tăng cường các buổi hội thảo tập huấn chuyên sâu kỹ năng của trọng tài viên cũng như kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp thương mại. Đồng thời, khuyến khích trọng tài viên Việt Nam tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp của trọng tài viên quốc tế, tham gia diễn đàn quốc tế về trọng tài...
Hoàn thiện thể chế
Muốn phát huy hiệu quả vai trò của hoạt động trọng tài thương mại trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta nên tập trung làm tốt mục tiêu hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại. Cụ thể, hoàn thiện pháp luật về thương mại theo hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại; đó là mở rộng khái niệm hoạt động thương mại trong Luật Thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động thương mại tại Việt Nam. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai và nhà ở, kinh doanh bất động sản, theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh bất động sản .
Tiếp theo, cần hoàn thiện văn bản về thuế, theo hướng miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trung tâm trọng tài; miễn thuế thu nhập cá nhân cho trọng tài viên Việt Nam lẫn nước ngoài đối với khoản thù lao nhận được khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Kế đến, nâng cao chất lượng xét xử trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; đảm bảo phán quyết được tuyên cụ thể, chính xác, rõ ràng, dễ thi hành. Có chính sách thu hút, khuyến khích luật sư nước ngoài tham gia tranh tụng trọng tài.
Một yếu tố quan trọng nữa là tăng cường chất lượng hoạt động hỗ trợ của tòa án, cơ quan thi hành án đối với hoạt động tố tụng trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và Luật Thi hành án dân sự. Tăng cường hiệu quả các biện pháp hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài theo Luật Trọng tài thương mại, như chỉ định, thay đổi trọng tài viên đối với trọng tài vụ việc; xem xét thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài; triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài, đăng ký trọng tài vụ việc…