Đảng và Nhà nước ta cũng hết sức quan tâm về vấn đề này và nhấn mạnh vai trò của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo cho phát triển và ứng dụng AI.
Trường ĐH mở ngành AI
Triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, Bộ GD-ĐT có cơ chế đặc thù cho các cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trình độ ĐH để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Từ năm 2019, một số trường ĐH lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và tuyển sinh đào tạo các chương trình về lĩnh vực AI như: Khoa học dữ liệu và AI; Robot và AI; Khoa học dữ liệu… Đặc biệt, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực.
Sinh viên ngành CNTT Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong giờ học lý thuyết
Là một trong những trường đầu tiên tuyển sinh và đào tạo ngành AI, PGS-TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT và Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), chia sẻ, năm 2019, trường chính thức tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS-AI), có 60 thí sinh trúng tuyển; năm 2020 tuyển được 80 sinh viên; năm 2021 tuyển 100 sinh viên. Hiện nay, thí sinh đăng ký rất nhiều nhưng trường chỉ giữ quy mô tuyển 100 chỉ tiêu/năm để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Cũng theo PGS-TS Huỳnh Thị Thanh Bình, chương trình đào tạo DS-AI là chương trình tiên tiến, được xây dựng bởi đội ngũ cán bộ của trường, giáo sư nước ngoài, các tập đoàn như IBM, Got IT, Samsung. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên theo học DS-AI sẽ được trang bị các kiến thức toán đặc thù của ngành, sau đó ở giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được đào tạo tập trung vào các mảng chuyên môn của lĩnh vực như AI, học máy, học sâu, các phương pháp/kỹ thuật nhận dạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy, xử lý dữ liệu lớn…, cũng như các kiến thức cơ bản ở một số lĩnh vực ứng dụng quan trọng về phân tích kinh doanh (BA), trí tuệ kinh doanh (còn gọi là kinh doanh thông minh, BI)… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành DS-AI có thể trở thành các chuyên gia phát triển các hệ thống, công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cũng như ứng dụng các công nghệ đã học vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán…
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng tuyển sinh ngành Robot và AI từ năm 2019, và đến nay mỗi khóa chỉ tuyển khoảng 20 sinh viên. Theo PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách trường, vì là ngành đào tạo nhân tài vì sự phát triển công nghệ của xã hội nên sinh viên theo học đều được cấp học bổng 100% học phí, học toàn bộ bằng tiếng Anh, học trên trang thiết bị hiện đại nhất. Nhà trường đã đầu tư khá nhiều phòng thí nghiệm “triệu đô” để phục vụ cho ngành này, tất cả đều trang bị máy móc thiết bị hiện đại nhất. Chương trình cũng có sự hỗ trợ của các tập đoàn đa quốc gia và các trường ĐH nước ngoài cho sinh viên thực tập.
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, AI đã là bộ phận của chương trình đào tạo ngành CNTT/Khoa học máy tính từ khi hình thành và bắt đầu phát triển. Từ lâu, trường đã có đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực AI. Sinh viên muốn theo học AI đăng ký vào ngành Khoa học máy tính. Hiện có một tỷ lệ rất lớn sinh viên chọn học theo hướng AI, cả ở bậc ĐH và sau ĐH. Đa số các sinh viên ngành Khoa học máy tính chọn các đồ án, đề tài luận văn tốt nghiệp có liên quan đến AI. Từ năm 2022, trường chính thức tuyển sinh đào tạo thạc sĩ chuyên ngành AI.
Doanh nghiệp tự đào tạo nhân lực
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên ngành CNTT ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI. Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Nguyên nhân là đào tạo tại trường khác xa so với ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực cần thực hành và tiếp xúc công nghệ cao như AI.
Để giải quyết tình trạng trên, Giám đốc VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) Vũ Hà Văn cho rằng, cần phải có chương trình đào tạo chuyên nghiệp để tập trung cho “ra lò” những kỹ sư chuyên về AI. Cụ thể như ở VinBigdata đang có hẳn một chương trình dành riêng cho sinh viên sắp ra trường nhằm đào tạo nhân sự AI chất lượng cao. Chương trình chủ yếu tập trung vào các lý thuyết chuyên sâu cũng như ứng dụng thực tiễn nhằm phát huy tối đa năng lực của các sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, người học còn có cơ hội tiếp xúc với các dự án AI đang được Vingroup triển khai như xe tự hành, nghiên cứu mã gen, phát triển trợ lý bác sĩ ảo… “Hơn 90% sinh viên tốt nghiệp chương trình ở mức độ khá, giỏi có thể được giữ lại để làm việc cho chính Vingroup với mức lương hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng sẽ là những nhân tố được Vingroup xây dựng để trở thành những chuyên gia dẫn dắt các dự án startup của mình trong tương lai”, ông Vũ Hà Văn nói.
Để có nhân lực phục vụ chiến lược AI-First, vào tháng 6-2021, doanh nghiệp ví điện tử MoMo đã công bố mua lại toàn bộ công nghệ lõi của Pique - công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ AI nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp số thuộc nhiều lĩnh vực. Thương vụ này cũng nằm trong chiến lược hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời củng cố chiến lược AI-First tại MoMo. Ông Vũ Thành Công, Phó Tổng giám đốc phụ trách sản phẩm và trải nghiệm khách hàng MoMo, cho biết, năm 2018, khi bắt đầu xây dựng nhóm AI, MoMo còn nhỏ về quy mô người dùng và dịch vụ, cũng như còn loay hoay với bài toán làm sao để thanh toán với trải nghiệm tốt nhất. Đến thời điểm hiện tại, khi nền tảng của MoMo đã có lượng người dùng đủ lớn, cần những bài toán đủ lớn nên việc áp dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng là đương nhiên. Công ty đã tự xây dựng nhân lực AI từ rất sớm. Còn theo ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ MoMo, chi phí đầu tư cho công nghệ, nhất là AI chiếm một phần khá lớn, nhưng mang lại lợi thế là có được nguồn nhân lực AI…
Tập đoàn FPT cũng đã xây dựng nguồn nhân lực AI từ sớm là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI, bao gồm các nhà khoa học, các kỹ sư phần mềm và các nhà phát triển sản phẩm giàu kinh nghiệm, được cộng đồng KH-CN quốc tế công nhận thông qua các giải thưởng uy tín. Trường ĐH FPT đã là nơi cung cấp nguồn nhân lực AI khá tốt cho tập đoàn này.
Dù vậy, so với yêu cầu thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao về AI tại Việt Nam còn thiếu hụt, lại còn gặp sức ép cạnh tranh về nhân lực từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft… Do vậy, bài toán đào tạo, phát triển, giữ chân nguồn nhân lực AI luôn được chú trọng; trong đó cần có chính sách đãi ngộ tốt, đảm bảo môi trường sáng tạo, hài lòng và tích cực cho hầu hết nhân lực làm trong lĩnh vực này.
Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển AI không chỉ đòi hỏi kinh phí lớn mà còn cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Hiện tại, nhân lực AI cũng là những đối tượng được săn đón không chỉ bởi các doanh nghiệp trong nước mà cũng đang là “hàng hot” đối với những tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn cung nhân lực AI đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng. |
Được tổ chức từ năm 2020, Chương trình đào tạo kỹ sư AI của Vingroup đã đào tạo 180 học viên xuất sắc, được kỳ vọng sẽ là lực lượng nòng cốt cho khoa học - công nghệ Việt Nam. GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, đơn vị triển khai Chương trình đào tạo kỹ sư AI Vingroup, chia sẻ: “Chương trình đào tạo về AI được đầu tư, thiết kế bài bản, trang bị cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ hiện đại hiếm có trong nước. Sau 2 năm, chương trình đã thu hút hơn 1.000 hồ sơ ưu tú trong và ngoài nước, đào tạo 180 học viên xuất sắc nhất, trong đó có gần 70 học viên sở hữu thành tích, danh hiệu cấp quốc gia, quốc tế. Đó là đội ngũ kỹ sư nắm vững kiến thức nền tảng, có kỹ năng giải quyết các bài toán ứng dụng để trực tiếp tham gia vào những dự án công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế”. |