*Ưu tiên làm đường nối, xây 2 sân bay mới
(ĐTTCO)- Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Bắc do Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức ngày 31/12 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ngành giao thông vận tải trong công tác đầu tư phát triển vùng Tây Bắc. Sự phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và công tác giảm nghèo nhanh, bền vững của vùng.
Theo đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc đã được tập trung vào cả 4 phương thức vận tải là: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không, đưa tốc độ tăng trưởng hàng hóa của vùng phát triển trên 10%/năm, tăng trưởng hành khách trên 6%/năm.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là hạ tầng giao thông còn lạc hậu, địa hình phức tạp, chia cắt, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH của vùng; các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, xã hội hóa đầu tư còn nhiều khó khăn, hoạt động vận tải chất lượng chưa cao...
Về các giải pháp, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện thể chế pháp luật trong đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kể cả hình thức xã hội hóa đầu tư, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông; ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu, vốn ODA để phát triển hạ tầng giao thông trong vùng, nhất là mở rộng, nâng cấp hoàn thiện những tuyến đường giao thông huyết mạch, các tuyến kết nối nhằm phát huy tính đồng bộ, liên thông của hạ tầng giao thông trong vùng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh chủ động rà soát quy hoạch, kế hoạch được duyệt, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung hoàn thiện các trục đường kết nối với đường cao tốc, mở rộng hoặc nối dài các đường cao tốc theo kế hoạch, khai thác có hiệu quả các phương thức vận tải trong vùng.
Trong lĩnh vực vận tải, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; phát huy cao nhất cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhất là giao thông nông thôn…
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển GTVT vùng Tây Bắc, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng trên cơ sở giao thông vận tải phải đi trước một bước, tạo điều kiện cho toàn vùng phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, đầu tư cho giao thông là đầu tư cho phát triển chứ không phải đầu tư cho tỉnh nghèo. Thời gian tới sẽ sử dụng nhiều nguồn vốn khác để đầu tư cho giao thông, ví dụ như quỹ bảo hiểm xã hội. “Các tuyến đường kết nối với cao tốc Hà Nội-Lào Cai vùng Tây Bắc trong 5 năm tới phải được ưu tiên dù ngân sách khó khăn, phải có những sáng kiến với các địa phương, các dự án trong kế hoạch bắt buộc phải thực hiện dù có khó khăn đến đâu”.
Theo Báo cáo của Bộ GTVT, trong 5 năm, tổng khối lượng vận tải vùng Tây Bắc đạt khoảng 404 triệu lượt khách, 506,5 triệu tấn hàng hoá.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, vùng Tây Bắc đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 1.916,8 km đường bộ với tổng mức đầu tư là 29.909 tỉ đồng, 296 km đường sắt với tổng mức đầu tư 1.631 tỉ đồng, 115 km đường thuỷ nội địa với tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng. Sự phát triển nhanh của kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hoá trong vùng thông suốt, nhanh chóng và an toàn.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao Bằng khen của Ban chỉ đạo Tây Bắc cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng vùng Tây Bắc.
* Khu vực Tây Bắc có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của cả nước. Tuy nhiên, do có có nhiều đồi núi, địa hình bị chia cắt mạnh nên việc phát triển giao thông vận tải trong khu vực còn nhiều khó khăn, đời sống người dân chưa cao.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, do xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng giao thông so với mặt bằng chung cả nước thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh nên việc phát triển giao thông vận tải trong khu vực Tây Bắc gặp nhiều khó khăn.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng nhận định, phát triển kinh tế ở vùng Tây Bắc cũng gặp nhiều khó khăn. Bà con làm ra nông sản nhưng khó bán, thu nhập thấp, đời sống người dân thấp.
Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thì cho rằng, giai đoạn 5 năm qua (2011-2015), mặc dù ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ vẫn quan tâm đầu tư cho Tây Bắc. Minh chứng rõ nhất đó là cả vùng Tây Bắc chỉ còn 3 xã chưa có đường ô tô vào.
“Tuy vậy, mặt bằng chung thì Tây Bắc vẫn là vùng có giao thông yếu kém nhất cả nước. Từ Hà Nội lên Lai Châu mất 9 tiếng, lên Cao Bằng vẫn mất đến 6 tiếng. Các tuyến đường chính mặc dù đã làm được nhưng chưa kết nối được các tuyến huyện lên tỉnh. Đường thủy và đường hàng không chưa phát triển”, ông Đào Quang Thu nói
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT dự kiến triển khai 19 dự án giao thông với tổng mức đầu tư dự kiến là 47.948 tỉ đồng. Trong đó, 17 dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA với tổng mức đầu tư dự kiến là 44.448 tỉ đồng; 2 dự án kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.500 tỉ đồng
Ông Đào Quang Thu cho biết, Bộ KH&ĐT đồng tình với các mục tiêu nhằm phát triển giao thông cho Tây Bắc nhưng sắp tới nguồn ODA sẽ giảm dần, các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ cũng như của Bộ KH&ĐT vẫn tiếp tục ưu tiên cho vùng này.
“Bộ KH&ĐT đã làm việc với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để làm đường nối nhánh từ Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang về các đường cao tốc. Vốn 60.000 tỉ đồng sẽ ưu tiên các xã nghèo, các xã đặc biệt khó khăn sẽ được cấp gấp 5 lần so với các xã bình thường. Tây Bắc là vùng trọng điểm quốc gia, vì thế kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù phát triển giao thông cho Tây Bắc”, ông Đào Quang Thu nói
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng, giai đoạn 5 năm tới (2016-2020), cần phải đột phá duy tu, bảo dưỡng vì hiện công tác này chỉ đáp ứng 40% so với nhu cầu, trong khi đó đặc thù miền núi, đường sá thường bị xói lở mạnh, nếu không làm tốt sẽ lãng phí rất nhiều tiền của đầu tư.
Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trên thực tế, tỉ trọng vốn trái phiếu và ngân sách đầu tư cho giao thông của Tây Bắc lớn hơn các vùng khác. Tuy nhiên, các vùng khác có tổng đầu tư lớn hơn vì xã hội hóa được, thu hút được nhiều nhà đầu tư còn vùng Tây Bắc thì các nhà đầu tư ngại vào do sợ khó thu hồi vốn.
“5 năm tới, Bộ GTVT sẽ ưu tiên làm đường kết nối các địa phương với các cao tốc và chắc chắn sẽ thực hiện được. Bộ GTVT sẽ triển khai bằng mọi nguồn lực vì Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là vùng ưu tiên”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ sẽ huy động các nguồn vốn để triển khai nâng cấp, xây dựng mới đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Thái Nguyên theo quy hoạch được duyệt. Nâng cấp tuyến sông Thao từ Việt Trì-Yên Bái và Yên Bái-Lào Cai với tổng mức đầu tư khoảng 5.290 tỉ đồng.
Về hàng không, Bộ GTVT sẽ triển khai 2 dự án xây dựng, nâng cấp, sửa chữa sân bay Điện Biên và Nà Sản, đồng thời thực hiện 2 dự án xây dựng sân bay Lai Châu và Lào Cai theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 5.826 tỉ đồng.
“Dù khó mấy chúng ta cũng quyết tâm làm, thúc đẩy phát triển giao thông vùng này. Đầu tư Tây Bắc là đầu tư cho cả nước chứ không phải riêng gì Tây Bắc”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.